984 La Phu village hall

Đình La Phù (Hoài Đức)

h.Hoài Đứcsông ĐáyLê trung hưng

Đình La Phù có ít nhất từ năm 1730. Thờ: Tĩnh Quốc Đại Vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: XPHJ+JJ7, đường La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 18km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Cột Mốc H9/2 Ngãi Cầu - An Khánh (xe 89), Gần Ngõ Chùa Phổ Quang - Lê Trọng Tấn - Hà Đông (xe 19, 66, E04, E06)

Địa lý

Xã La Phù nằm vào khoảng giữa hai dòng sông Đáy ở phía tây và sông Nhuệ ở phía đông, cách nhau hơn 7km. Giao thông phía bắc xã có đường tỉnh lộ DT72 với tuyến xe bus 89 và phía đông là đường Lê Trọng Tấn với tuyến xe bus 19, 66, E04, E06. Địa giới phía tây và phía nam giáp xã Đông La, phía tây bắc giáp xã An Khánh, phía đông và đông bắc giáp phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Xã La Phù có mã hành chính 09889, tổng diện tích đất là 3,46 km², dân số năm 1999 là 8.387 người, đạt mật độ 2.423 người/km2. Xưa kia xã thuộc về huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Tỉnh này năm 1965 hợp cùng tỉnh Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây, năm 1975 thêm tỉnh Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, năm 1979 nhập vào TP Hà Nội, năm 1992 trở về tỉnh Hà Tây, từ tháng 8/2008 lại thuộc Hà Nội.

Cổng đình La Phù. Photo ©NCCông 2017

Nhân dân La Phù xưa kia chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán nhỏ. Phần lớn xã ngày nay đã công nghiệp hoá và đô thị hoá. Trên địa bàn vẫn còn lưu lại 4 di tích lịch sử văn hoá quốc gia gồm: đình La Phù, chùa Cả (Trung Hưng Tự), chùa Dộc (Quang Lộc Tự), chùa Tổng La Phù (Thiên Hương Tự).

Lịch sử

Đình nằm ở giữa làng La Phù (tên Nôm là La Nước), xã La Phù, huyện Hoài Đức, cách Hồ Gươm khoảng 16km về phía tây. Theo thần phả, đình thờ thành hoàng làng là hoàng tử thứ 3 của Hùng Duệ Vương, sinh ngày 7 và hoá ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Ngài từng chiêu tập quân sĩ lập đồn binh tại La Nước và có công đánh quân Thục, được phong là Tĩnh Quốc đại vương.

Tam quan đình La Phù. Photo ©NCCông 2017

Theo niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (1730) ghi trong đạo sắc phong cổ nhất, có thể đoán ngôi đình được dựng sớm hơn năm đó. Đình được trùng tu vào các năm Cảnh Hưng 44 (1783), Gia Long 15 (1816) và sau nữa, dáng vẻ hiện nay in đậm phong cách thời Lê-Nguyễn. Ngày 22/3/1988, đình [và chùa] La Phù đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đáng tiếc đất của cụm di tích bị xâm lấn bởi chợ tạm, nhà văn hóa, nhà mẫu giáo và nhà dân.

Kiến trúc

Cổng đình được xây theo lối nghi môn, tứ trụ đắp câu đối chữ Hán, trên tường có phù điêu đôi voi trận đứng giáp với đường làng ở phía tây. Sau sân nhỏ đến toà tam quan gồm 3 gian cửa đóng đinh, tường hồi bít đốc tay ngai, trên bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, hai mái chảy lợp ngói mũi hài, bên dưới có ba hàng chân cột tròn kê đá tảng. Bộ vì làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”.

Hông đình La Phù. Photo ©NCCông 2017

Toà đại bái gồm 5 gian cửa bức bàn nằm sau sân ngăn với tam quan, tường hồi bít đốc không có tay ngai, hai mái chảy lợp ngói mũi hài. Các bộ vì làm kiểu “thượng giá chiêng, rường con, hạ kẻ bẩy” dựa trên 6 hàng chân cột với 36 cột cái và cột quân. Trên các đầu dư có chạm lộng hình đầu rồng với mắt lồi, tai dơi, miệng rộng, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc trang trí của thế kỷ XVIII.

Hậu cung 5 gian nằm song song với toà đại bái theo hình “chữ Nhị”, cũng được xây kiểu tường hồi bít đốc không có tay ngai, hai mái chảy lợp ngói mũi hài. Khung nhà có 4 bộ vì đặt trên 3 hàng chân cột. Bộ vì “chồng rường con nhị và bẩy” cũng theo kết cấu cơ bản như toà đại bái nhưng bé nhỏ và đơn giản hơn. Sau lưng hậu cung là sân chùa Cả (Trung Hưng Tự).

Đình La Phù. Photo ©NCCông 2017

Di sản

Trong đình La Phù còn bảo lưu được nhiều hiện vật như: hoành phi, câu đối, bộ hương án, kiệu bát cống, bát bửu, bát hương gốm men trang trí hình người và 14 đạo sắc phong (cổ nhất là năm 1730). Hội làng hằng năm được nhân dân và chính quyền sở tại tổ chức từ ngày 7 đến 13 tháng Giêng âm lịch, trong đó độc đáo nhất là lễ rước lợn.

Di tích lân cận

984 La Phu village hall ©NCCong 2015-2023