986 Kham Lang pagoda
Chùa Khám Lạng
Thiền Trúc LâmKinh BắcLê sơChùa Khám Lạng có ít nhất từ năm 1432, ban đầu thuộc dòng thiền Trúc Lâm. Xếp hạng chùa: Di tích quốc gia (1999). Hương án đá: Bảo vật quốc gia (2015). Vị trí: 798V+FPG, xã Khám Lạng, H. Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Cách BĐX Bờ Hồ: 76km (hướng 2h)
Địa lý
Khám Lạng là một xã nông nghiệp thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội hơn 70km. Địa giới phía đông giáp xã Huyền Sơn qua sông Lục Nam, phía tây nam giáp xã Bắc Lũng, phía bắc giáp xã Tiên Hưng, phía tây giáp xã Yên Sơn. Xã có diện tích 9,26 km², dân số năm 1999 là 5.398 người, mật độ dân số đạt 583 người/km², mã hành chính là 07501.
Chùa Khám Lạng nằm cách thị trấn Đồi Ngô 3km về phía nam. Du khách từ trung tâm Hà Nội có thể đi theo quốc lộ QL1A đến TP Bắc Giang qua cầu sông Thương rẽ sang phải vào tỉnh lộ DT293, đến ngã ba Khám Lạng lại rẽ sang phải theo quốc lộ QL37 đi tiếp khoảng 500m rồi rẽ trái vào đường làng sẽ nhìn thấy chùa. [Nếu tiếp tục xuôi đường quốc lộ QL37 thì sẽ đến khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cách đó khoảng 20km.]
- Cổng chùa Khám Lạng nhìn từ trong. Photo ©NCCông 2023
Lược sử
Chùa Khám Lạng là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo ở vùng Tây Yên Tử và mang dấu vết của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ngoài hơn 20 pho tượng gỗ thời Lê, trong chùa còn giữ được một hương án bằng đá chạm hình hoa sen hiếm thấy ở Việt Nam. Trên hương án có khắc dòng chữ Hán “Thuận Thiên ngũ niên Nhâm Tý niên” tức năm 1432.
Ngôi chùa này cho đến nay vẫn là nơi duy nhất tại Bắc Giang có hương án bằng đá cổ kính đến như vậy. Một dòng chữ khác bên cạnh cho biết người làm ra và cung tiến hương án vào chùa là ông Lưu Khụ, hàng Hạ phẩm ở xã Khám Lạng, vợ là bà Đỗ Xú. Ngoài ra còn một bệ tượng đá hoa sen có niên đại Hồng Đức 15 (1494), một tấm bia đá ghi niên hiệu Minh Mệnh 11 (1830) và một quả chuông đồng thời Nguyễn.
- Sân trước chùa Khám Lạng. Photo ©NCCông 2023
Kiến trúc
Ngày 2/8/1999 Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng chùa Khám Lạng là một Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Tương truyền chùa Khám Lạng được khởi dựng vào thời Trần với quy mô lớn trên một gò đất hình con Quy. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi chùa hiện nay có diện tích khoảng 4000m2 và chủ yếu mang dáng dấp của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn muộn.
Chùa nhìn qua cánh đồng về phía đông nam ra sông Lục Nam, bên kia sông xa hơn là dãy núi Huyền Sơn hùng vĩ. Cổng chùa xây kiểu nghi môn tứ trụ với hai cửa phụ ở hai bên. Sau cổng là sân rộng đưa khách tới khu chùa dưới những tán cây cổ thụ. Toà tiền đường gồm 5 gian cửa gỗ bức bàn được kết nối với toà thượng điện 3 gian trên mặt bằng xây dựng theo hình “chữ Công”. Phía bên tả là vườn cây với 7 ngôi tháp mộ của các vị sư trụ trì đã khuất, phía sau là nhà Tổ và nhà phụ.
- Vườn tháp chùa Khám Lạng. Photo ©NCCông 2023
Di sản
Mặt hương án đá trông giống như một tòa sen lớn hình chữ nhật dài 312cm, rộng 140cm. Bốn mặt bệ đá có tạc ba tầng cánh sen lớn xếp đan chéo lên nhau, mặt phía trước mỗi lớp gồm 16 cánh sen. Trong các cánh sen có chạm các móc mây, tại phần mu cánh sen có chạm các chấm tròn tạo các hạt cườm nổi khối xếp thành hình chữ thập, một kiểu trang trí dân gian thường thấy ở thời Trần.
Thân hương án cao 120cm, gồm 3 tầng, mỗi tầng được ghép bằng vài phiến đá. Tầng trên và tầng dưới lớn hơn tầng ở giữa. Tại phần giữa thân, phía hai mặt trước và sau có 6 ô hình chữ nhật tạc 6 hình rồng yên ngựa với đầu rồng bờm lửa (về sau khá phổ biến ở thế kỷ XVI, thời Lê-Mạc). Tại hai mặt bên, mỗi đầu hồi có tạc một con rồng ở giữa, bên cạnh lại có một ô nhỏ hơn tạc hình hoa cúc dây.
- Chạm rồng yên ngựa, chùa Khám Lạng. Photo ©NCCông 2023
Các phiến đá tạc chân bệ làm theo kiểu chân quỳ dạ cá. Ở các tầng, đá đã được vê tròn cạnh xen lẫn các gờ nổi tạo hình cân đối hài hòa. Phần vê tròn có tạc nổi các cánh sen khổ lớn mở xuống. Trên các phiến đá có chạm tinh tế các hình vân mây tản, phối trí hình hoa văn sóng nước chạy trải đều khắp bốn mặt chân quỳ.
Hương án đá chùa Khám Lạng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2013 Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khai quật tại đây và phát hiện nhiều di vật như: ngói mũi sen đơn, ngói mũi lá, ngói bò... có niên đại từ thời Lý, Trần đến Lê rồi Nguyễn.
Hằng năm nhân dân và chính quyền địa phương long trọng tổ chức lễ hội chùa Khám Lạng vào hai ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Ba âm lịch, nhân dịp này còn diễn ra những trò chơi truyền thống như đấu vật, chọi gà, chơi đu....
- Hương án chùa Khám Lạng. Photo ©NCCông 2023
Di tích lân cận
- Chùa Dạm: 44V2+CXJ, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
- Chùa Hàm Long: 44W4+53, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
- Chùa Phúc Lâm: 5272+MVX, xã Phú Lâm, H. Tiên Du, Bắc Ninh.
- Chùa Vĩnh Nghiêm: 687F+CP, thôn Đức La, xã Trí Yên, H. Yên Dũng, Bắc Giang.
- Đình Tam Tảo: 5263+8PF, xã Phú Lâm, H. Tiên Du, Bắc Ninh.
- Thành cổ Xương Giang: 76R7+R7, TP Bắc Giang.
986 Kham Lang pagoda ©NCCông 2023