992 Trung Quan village hall
Đình Trung Quan
sông ĐuốngLê trung hưngh.Gia LâmĐình Trung Quan được xây vào thế kỷ XVIII. Thờ: 5 vị đại vương và Hồng Lương công chúa, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ. Lễ hội: 9-10 tháng Hai và mồng 10 tháng Tám âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: WVXW+PF7, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 18km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Trường THCS Kim Lan (xe 47b)
Địa lý
Làng Trung Quan hồi đầu thế kỷ thứ XIX là một xã thuộc tổng Đại Quan, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Trong kháng chiến chống Pháp, làng Trung Quan thuộc về xã Văn Đức, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tháng 5-1961, xã Văn Đức được chuyển về huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Xã Văn Đức có mã hành chính là 00589, tổng diện tích đất tự nhiên 6,83 km², dân số năm 2022 là 7.912 người, mật độ dân số đạt 1.158 người/km². Phía bắc giáp xã Kim Lan. Phía tây và phía nam giáp sông Hồng. Phía đông bắc giáp xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Phía đông nam giáp thị trấn Văn Giang (Hưng Yên).Trong xã có 3 thôn: Trung Quan, Sơn Hô, và Chử Xá.
- Sân giữa đình Trung Quan. Photo ©NCCông 2022
Lược sử
Làng Trung Quan nằm ở ngoài đê sông Hồng, bên kia sông là cảng Khuyến Lương và Trường bắn Yên Sở (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Dân làng xưa kia chủ yếu sống bằng nghề trồng các loại rau màu và đánh cá. Đất bãi sông đều là của chung, làng dành ra 57 mẫu dùng vào việc thờ cúng, còn 493 mẫu chia cho các trai đinh từ 18 đến 60 tuổi, cứ 9 năm chia lại một lần.
Làng Trung Quan có ngôi đình tương truyền có từ thời Lý và được dựng lại vào thế kỷ XVII. Trong đình thờ hai vị thành hoàng là Đông Chinh đại vương [1] và Linh Cảm đại vương (không rõ sự tích). Ngoài ra còn phối thờ Bản Cảnh Thiết Lâm đại thần, Hữu Thắng đại vương, Vũ Thắng đại vương, Hồng Lương công chúa và Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ [2].
- Sân đình Trung Quan. Photo ©NCCông 2022
Ngày 13-02-1996 ngôi đình [và chùa] làng Trung Quang đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Trung Quan được xây trên một khoảnh đất cao, rộng và thoáng mát ở ngay đầu con đường đồng đi sang bến đò Văn Đức. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ có đắp câu đối chữ Hán, cửa mở ra đường làng và nhìn về ao bán nguyệt ở phía tây nam. Sau cổng là sân gạch, hai bên có dãy nhà tả, hữu vu rồi đến toà tiền tế 5 gian, mặt sau thông với toà phương đình kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Ngay sau phương đình là toà trung tế 7 gian 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Toà hậu cung 3 gian chạy dọc về phía sau, gian cung cấm làm theo kiểu chồng diêm, hai bên xây nối thêm 2 gian, bên phải thờ Đông Chinh đại vương, bên trái thờ Linh Cảm đại vương.
- Trong đình Trung Quan. Photo ©NCCông 2022
Di sản
Trong đình hiện còn lưu giữ được các cổ vật như long ngai, bài vị, kiệu rước, thần phả, hoành phi, câu đối và 18 đạo sắc phong của các triều đại từ nhà Lê đến nhà Nguyễn. Hai kỳ lễ hội chính trong năm của làng là mồng 9, 10 tháng Hai âm lịch và mồng 10 tháng Tám âl.
Di tích lân cận
- Bến đò Khuyến Lương: XV5V+758, phường Trần Phú, Q. Hoàng Mai.
- Chùa Trung Quan: WWW2+X57, xã Văn Đức, H. Gia Lâm.
- Đình Bát Tràng: XWG5+JV, xã Bát Tràng, H. Gia Lâm.
- Đình Chử Xá: WVRX+MM4, xã Văn Đức, H. Gia Lâm.
- Đình Khuyến Lương: XV9J+8WJ, phường Trần Phú, Q. Hoàng Mai.
- Lăng Chử Cù Vân: WWQ4+QF7, xã Văn Đức, H. Gia Lâm.
- Cổng đình Trung Quan. Photo ©NCCông 2022
CHÚ THÍCH
[1] Đông Chinh đại vương là con trai thứ 5 của vua Lý Thái Tổ, từng theo cha đi dẹp loạn của một số sắc dân thiểu số ở Vân Châu (các huyện Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bây giờ). Sau khi Lý Thái Tổ mất, ông cùng hai người em là Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương định giành ngôi vua của thái tử Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông), sử cũ gọi là “loạn Tam vương”. Việc bị thất bại, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương sớm ra đầu hàng nên được ân xá, phục hồi chức tước.
[2] Nguyễn Như Đổ 阮如堵 (1424 - 1526), tự Mạnh An 孟安, hiệu Khiêm Trai 謙齋 là một quan văn từng đi sứ và làm thơ, dạy học vào thời Lê sơ. Ông quê làng Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, sau đó di sang làng Tía, huyện Thượng Phúc, nay thuộc xã Tô Hiệu huyện Thường Tín, Hà Nội.
992 Trung Quan village hall ©NCCông 2022