996 Song Khe community hall
Đình Kim (Song Khê)
h.Thanh Oaisông NhuệHai Bà TrưngĐình Kim có từ cuối thời Lê. Thờ: 6 vị đại vương thời Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2000). Vị trí đình: VQPQ+467, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 21km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Cách 100M Ngã Tư Cống Sông Ái - Thôn Song Khê.
Địa lý
Thôn Song Khê 雙溪 xưa kia là trang Trầm Bối, sau đổi là Bối Khê. Đến năm 1831 thuộc về xã Tam Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội. Năm 1888 cắt về tỉnh Cầu Đơ, sau đổi là Hà Đông. Năm 1961 hai xã Đại Hưng và Tam Khê sáp nhập thành xã Tam Hưng. Tháng 6-1965 hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành Hà Tây. Ngày 1-8-2008, tỉnh Hà Tây nhập vào TP Hà Nội.
Hồi năm 1895-1896, cụ Đô Hiên người Tam Hưng đã chỉ huy một cánh nghĩa quân chống Pháp của cụ Hoàng Hoa Thám. Đến đầu thế kỷ XX, xã này có nhiều người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) và cuộc vận động Mặt trận Bình dân (1936-1939). Sáng ngày 19-8-1945, hàng nghìn người trong xã và một số thôn lân cận dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề đã phối hợp cùng các cánh quân khác kéo lên Bình Đà chiếm huyện đường Thanh Oai.
- Phương đình Kim. Photo ©NCCông 2023
Lược sử
Đình Kim được xây vào cuối thời Lê trung hưng trên một thửa đất khá rộng rãi nay thuộc thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Theo bản ngọc phả hiện còn lưu trong cung cấm, đình thờ 6 vị đại vương gồm: Chúc Sơn, Thiên Tràng, Địa Tràng, Ba Dạ, Mộc Thần, và Thổ Địa. Thái thú Giao Châu thời Đông Hán là Tô Định tham tàn, Hai Bà Trưng bèn nổi dậy khởi nghĩa. Một lần nghĩa quân đi đến trang Trầm Bối và nghỉ lại. Đến tối, Hai Bà lập đàn cầu đảo, được 6 vị đại vương âm phù đánh giặc. Khi thắng trận, Hai Bà liền ban thưởng cho dân địa phương và phong tặng 6 vị đại vương làm thành hoàng làng.
Kiến trúc
Đình Kim nhìn ra cánh đồng ở phía đông, xa xa là nơi sông Nhuệ hợp lưu với Tô Lịch. Cổng đình làm kiểu ngũ môn giả cửa vì thầy phong thuỷ nói đây là thế đất "khúc thắt, khúc phồng, huyệt đình ở rốn cá chép chửa" nên 3 cửa ở giữa cần xây kín để che chắn như bình phong và lối ra vào chuyển sang 2 cửa nách.
- Cổng đình Kim. Photo ©NCCông 2023
Sau bình phong là ao nhỏ hình chữ nhật rồi đến nhà bia, sân gạch và thềm cao với 2 dãy tả, hữu mạc đối xứng qua toà phương đình. Sau lưng tả mạc là một ao nước hình chữ nhật. Trong khuôn viên đình có nhiều cổ thụ. Phương đình kiểu 2 tầng, 8 mái đao cong, các bộ vì đè lên 4 cột cái, cổ diềm lắp chấn song con tiện, xung quanh trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý. Sát sau là toà đại bái 3 gian 2 chái nằm ngang, các bộ vì dựa trên 4 hàng chân cột. Các bức cốn được chạm bong kênh với hình long cuốn thuỷ, phượng hàm thư... Các đầu dư chạm đầu rồng với mặt dơi, tai thú, răng nhe, bờm như đao mác bay về phía sau dữ tợn. Toà hậu cung kết nối thành hình “chữ Đinh” vào gian giữa đại bái, các bộ vì kèo quá giang đơn giản.
Di sản
Phần trang trí kiến trúc chủ yếu mang phong cách của nghệ thuật thời Nguyễn. Trong cung cấm có đặt long ngai bài vị của các thành hoàng làng, phía trước là đôi tượng phỗng ngồi quỳ có nét đặc trưng của nghệ thuật thời Lê trung hưng. Ngoài ra, trong đình hiện còn giữ được hơn 20 đạo sắc phong và 1 cuốn thần phả. Hằng năm lễ hội đình làng được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch.
- Hông đình Kim. Photo ©NCCông 2023
Năm 2000, đình Kim (Song Khê) được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bối Khê: VQJP+HQ, xã Tam Hưng.
- Chùa Dư Dụ (Phúc Sinh Tự): VR97+5M4, xã Thanh Thuỳ.
- Đình, miếu Thiên Đông: VRW3+FM8, xã Mỹ Hưng.
- Đình, miếu Văn Khê: VQ9Q+CMJ, xã Tam Hưng.
- Đình Lê Dương: VQHM+QVW, xã Tam Hưng.
- Đình Ngoại Bình Đà: VQR7+3FG, xã Bình Minh.
- Đình Rùa Hạ: VRH5+C9R, thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy.
Bài 996: Đình Kim ©NCCông 2023