998 Xa La community hall and temple
Đình và miếu Xa La
sông NhuệLinh Langq.Hà ĐôngĐình, miếu Xa La có từ thế kỷ XVII. Thờ: Linh Lang đại vương. Lễ hội: ngày 9-10 tháng Giêng. Xếp hạng: Di tích thành phố (2005). Vị trí: Tân Xa, XQ7Q+PF8, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 10km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Học Viện Quân Y 103 trên đường DT70A.
Địa lý
Phường Phúc La quận Hà Đông được thành lập năm 2009 sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội. Phường hiện có diện tích 1,39 km², dân số năm 1999 là 6.243 người, mật độ dân số đạt 4.491 người/km². Địa bàn phường nằm ở giữa bờ phía bắc dòng sông Nhuê và đường tỉnh lộ DT70A; phía đông giáp với huyện Thanh Trì; phía tây giáp các phường Nguyễn Trãi và Hà Cầu; phía nam giáp phường Kiến Hưng; phía bắc giáp phường Văn Quán.
Phường mang tên ghép từ 2 làng cổ Yên Phúc và Xa La, thuộc tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1945 làng Xa La vẫn thưa thớt dân cư với khoảng 350 người thuộc 70 hộ, phần lớn thuộc diện nghèo: chỉ 10 gia đình có nhà ngói, còn lại sống trong nhà tranh vách đất.
- Các đô vật Xa La làm lễ tạ Thánh. Tư liệu Pháp năm 1916
Những cư dân đầu tiên của làng Xa La thuộc 9 dòng họ: Đỗ, Bùi, Phạm, Nguyễn, Vũ, Hoàng, Lê, Trương, Vương. Đến cuối thế kỷ XX làng bắt đầu đông dân cư, được chia thành xóm Đình (nay là tổ dân phố số 11), xóm Giữa và xóm Ngoài (nay là tổ dân phố số 10). Tất cả 3 xóm và cánh đồng từ đầu thế kỷ XXI đã đô thị hoá hoàn toàn. Xa La trở thành một khu đô thị đông đúc với những cơ sở y tế, giáo dục và kinh tế rất lớn, chỉ còn lại đình, miếu và chùa của làng là nơi gìn giữ những sự tích cũ của làng.
Lược sử
Cụm di tích đình và miếu Xa La có từ thế kỷ XVII. Miếu toạ lạc ở phía tây làng, còn đình ở phía đông. Đình và miếu cùng thờ thành hoàng làng là Đức thánh Linh Lang đại vương.
- Khai hội đình Xa La năm 2013
Tương truyền Linh Lang đại vương chính là Hoàng tử Hoằng Chân của nhà Lý, một vị nhân thần cũng được thờ ở hàng trăm nơi khác. Vào cuối thế kỷ XI, tuy còn rất trẻ Hoàng tử đã xin ra phòng tuyến Sông Cầu và lập công chỉ huy một toán quân tham gia chiến dịch đánh bại giặc Tống xâm lược nước Đại Việt. Thắng trận trở về chàng làm lễ khao quân rồi hoá thân thành giao long và lặn xuống Hồ Tây đi mất. Nhà Lý và các triều đại tiếp theo đã ban tặng rất nhiều đạo sắc phong cho ngài. Ngôi đền chính thờ ngài được gọi là đền Linh Lang ở Thủ Lệ gần Cầu Giấy, là một trong Tứ trấn của Kinh thành Thăng Long.
Ngày 13/3/2005 tại Quyết định số 08/QĐ- UBND, cụm di tích đình và miếu Xa La được UBND tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội) công nhận Di tích lịch sử - văn hoá.
- Cổng đình Xa La. Photo ©NCCông 2023
Kiến trúc
Đình Xa La nằm trong một khuôn viên khá dài ở ngay phía trái sau cổng làng, cách đường tỉnh lộ DT70A hơn 300 m và cách cầu Hà Đông (tức Cầu Đơ cũ) gần 2 km. Năm 2017 đình đã được đại trùng tu, gồm tiền tế 3 gian, đại đình 5 gian và hậu cung 3 gian, kết nối nhau qua ống muống. Mặt đình nhìn về phía đông nam ra cù lao nhỏ và toà thuỷ đình 2 tầng 8 mái mới xây ở giữa ao đình. Cổng đình làm kiểu nghi môn tứ trụ với bức bình phong lớn bịt hết cửa giữa, người ra vào bằng hai cửa bên ăn thông với phố Tân Xa.
Di sản
Theo truyền thống, lễ hội Xa La diễn ra tại đình làng vào đầu mùa xuân trong 2 ngày 9 và 10 tháng Giêng âm lịch với các nghi thức long trọng và phong phú như: lễ tế, lễ dâng hương, lễ rước Thánh, lễ thụ yến. Nhân dịp này dân làng còn tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ và thi đấu thể thao.
- Sân đình Xa La. Tư liệu Pháp năm 1916
Di tích lân cận
- Chùa Hà Trì: XQ8M+99, Ngõ Hà Trì 1, phường Hà Cầu, Hà Đông.
- Chùa Thanh An: XQ9V+W74, xã Tân Triều, Thanh Trì.
- Đình Đa Sỹ: đường Đa Sỹ, XQ6P+5H, Kiến Hưng, Hà Đông.
- Đình Hà Trì: ngõ Hà Trì 1, XQ8M+FC, Hà Cầu, Hà Đông.
- Đình Yên Xá: XQ9W+PH, xã Tân Triều, Thanh Trì.
- Miếu Mậu Lương: phố Mậu Lương, XQ5R+86, Kiến Hưng, Hà Đông.
998 dinh Xa La ©NCCông 2015-2024