Delta du Tonkin

Đồng bằng Bắc Bộ

Trang nhà > Chỉ dẫn > Tọa độ địa lý và hệ tọa độ

Tọa độ địa lý và hệ tọa độ

Thứ Ba 9, Tháng Sáu 2015

Tọa độ địa lý là gì?

Tọa độ địa lý được hình thành bởi hai thành phần là vĩ độ và kinh độ.

Vị trí theo chiều bắc-nam của một điểm được thể hiện bằng vĩ độ của nó, còn vị trí theo chiều đông-tây thì thể hiện bằng kinh độ.

Vĩ độ

Vĩ độ của một điểm là kết quả đo góc (lượng giác) được tạo ra bởi mặt phẳng xích đạo với đường nối từ điểm này đến tâm điểm của Trái đất.

Người ta quy ước giá trị của nó nằm trong khoảng từ -90° đến 90°. Giá trị âm nghĩa là vị trí đó ở Nam bán cầu, còn vĩ độ 0° chính là đường xích đạo.

Kinh độ

Nguyên tắc đo các kinh độ cũng giống như thế, chỉ có sự khác biệt ở chỗ không có đường tham chiếu tự nhiên như đường xích đạo cho các vĩ độ.

Kinh độ tham chiếu đã được chọn gọi là Greenwich Meridian (vì nó đi qua Đài thiên văn Hoàng gia Anh đặt tại Greenwich ở ngoại ô London). Như vậy kinh độ của một điểm là kết quả đo góc được tạo ra bởi nửa mặt phẳng hình thành bởi trục trái đất và đi qua kinh tuyến Greenwich với nửa mặt phẳng hình thành bởi trục trái đất và đi qua điểm đó.

Thành phần thứ ba của tọa độ

Bạn đọc tinh ý sẽ thấy còn một yếu tố thứ ba để xác định vị trí một điểm, đó là độ cao của nó. Trong đa số trường hợp sử dụng thông thường ta chỉ cần đến tọa độ với hai thành phần cho một điểm trên bề mặt trái đất và như vậy tham số thứ ba này ít có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên nó cũng quan trọng như là vĩ độ và kinh độ để xác định một vị trí GPS đầy đủ và chính xác.

Có nhiều hệ tọa độ khác nhau

Như ta đã thấy, các định nghĩa trên đụng đến một vài thông số phải được cố định hoặc xác minh để tham chiếu trong ứng dụng:

  • Xích đạo và mô hình được chọn để mô phỏng hình dạng trái đất,
  • Một tập hợp các điểm tham chiếu
  • Vị trí tâm điểm của Trái Đất,
  • Trục trái đất,
  • Đường kinh tuyến tham chiếu.

Năm tiêu chí nói trên chính là cơ sở của các hệ thống tọa độ khác nhau từng được sử dụng trong diễn tiến của lịch sử. Hiện nay, hệ thống trắc địa thông dụng nhất là WGS 84 (được sử dụng đặc biệt nhiều cho tọa độ GPS).

Các đơn vị đo lường tọa độ GPS

Hai đơn vị đo lường chính của hệ tọa độ là số thập phân và số lục thập phân.

Tọa độ thập phân
Các vĩ độ và kinh độ được thể hiện bằng số thập phân, với các đặc điểm sau:

  • vĩ độ giữa 0° và 90° thuộc về Bắc bán cầu,
  • vĩ độ giữa 0° và -90° thuộc về Nam bán cầu,
  • kinh độ giữa 0° và 180° thuộc về Đông Bán cầu tính từ kinh tuyến Greenwich,
  • kinh độ giữa 0° và -180° thuộc về Tây Bán cầu tính từ kinh tuyến Greenwich,

Tọa độ lục thập phân
Hệ lục thập phân có ba thành phần: độ, phút và giây. Mỗi thành phần này thường là một số nguyên, nhưng thành phần giây thì có thể là một số thập phân trong trường hợp cần tới một độ chính xác lớn hơn.

Một độ góc bao gồm 60 phút góc và một phút góc gồm 60 giây của góc cung.
Không giống như tọa độ thập phân, các tọa độ lục thập phân không thể là một số âm. Trong trường hợp này một chữ W hoặc E được thêm vào để xác định kinh độ là ở về phía đông hay phía tây tính từ vị trí kinh tuyến Greenwich, và chữ N hoặc S được thêm vào để xác định vĩ độ thuộc về Bắc hay Nam bán cầu.

Bảng tương quan giữa hai hệ

(Tọa độ thập phân) (Tọa độ lục thập phân)
Vĩ độ Kinh độ Vĩ độ Kinh độ
0° đến 90° 0° đến 180° N E
0° đến 90° 0° đến -180° N W
0°đến -90° 0° đến 180° S E
0° đến -90° 0° đến -180° S W

Có nhắn tin hay bình luận gì không?

Diễn đàn ghi danh mới được đăng

Trước khi tham gia vào diễn đàn này, bạn phải ghi danh. Nếu chưa ghi danh, bạn phải ghi danh.

Đường nốighi danhquên mật mã?