Cao Hiển

Hằng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch tại huyện Thường Tín (TP Hà Nội) có lễ tế thần Cao Sơn đại vương trong dịp hội đình của 7 làng thuộc tổng Hà Hồi xưa [1]. Bảy ngôi đình này đều thờ chung một vị thành hoàng tên là Cao Hiển, sự tích về ngài hiện còn lưu tại đình Đạiđình Khê Hồi được cho là do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572).

Theo đó, Cao Sơn đại vương là con của ông Cao Khánh ở núi Bảo Thái, quận Quảng Nam bên Bắc quốc. Tới cuối đời nhà Nguyên gia đình ông sang nước Nam buôn bán. Khi đến trại Mái Nhà (sau đổi là Phú Ốc) huyện Yên Mô phủ Trường Yên Ái Châu thì ở lại đấy. Ông lấy bà Trần Thị Tố người xã Quang Liệt thuộc bản huyện. Hai ông bà hiếm muộn mới sinh được một con trai đặt tên là Hiển, tự là Trường Cửu. Sau khi vợ mất cha con ông trở về Bắc quốc. Cao Hiển theo học Chu Đường tiên sinh. Năm Khánh Lịch thứ 6 triều Minh ông Cao Hiển ứng thí đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, được ban cho chức Mục thủ Ích Châu, tặng hàm Quang lộc đại phu. Ông làm quan triều hay giữ thú mục, đánh Đông dẹp Bắc, lập được nhiều kỳ công, nên được vua phong làm Thái phó, sau lại được phong chức Thừa tướng.

Bấy giờ ở nước ta Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Vua Minh cho ông Hiển sang An Nam phò giúp đánh nhà Hồ, lại cho tìm kiếm con cháu nhà Trần về lập làm vua. Ông bắt được hai vua Hồ là Quý Ly và Hán Thương rồi trở thành chúa tể nước ta…

Một lần ông lập hành cung ở xã Trùy Khê, thuộc huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam, mở yến tiệc mời dân gian đến cùng dự yến, ban cho nhân dân 5 hốt vàng làm vốn chung mua ruộng. Dân nhận vàng vái lạy xin làm thần tử, đội ơn công đức của ngài như cha mẹ vậy…

Ông là chúa tể một phương được hơn 10 năm. Năm 78 tuổi ông xin trở về quê nhà ở núi Bảo Đài. Nhà vua phong ông làm Sinh thần đại vương, hiệu là Cao Sơn quốc chủ đại vương. Ông mất năm 103 tuổi. Nhà vua tặng cho sắc chỉ: Cao Sơn quốc chủ đại vương. Truyền cho dân Bảo Đài lập miếu thờ phụng. Lại ban chiếu truyền bảo các xã trong nước Nam trước đây có lập cung điện đều phải viết thần hiệu là Cao Sơn quốc chủ đại vương để thờ phụng, tất cả gồm 172 nơi…

Dù một bức hoành phi trong đình Khê Hồi ghi 4 chữ 寶山毓靈 (Bảo Sơn dục linh) ý núi Bảo Đài là quê thần Cao Hiển nhưng sự tích trên ít khớp với Minh sử và địa lý. Cho nên cũng có người gượng ép đoán Cao Sơn đại vương được thờ ở đây là Cao Biền căn cứ vào câu đối đắp ở cổng đình này: 偉烈播人寰大曆甲榜弘定御碑特其遺蹟 / 崇祀遍天下芳桂公祠溪洄别廟同仰洪庥 (Vĩ liệt bá nhân hoàn Đại Lịch giáp bảng Hoằng Định ngự bi đặc kỳ di tích / Sùng tự biến thiên hạ Phương Quế công từ Khê Hồi biệt miếu đồng ngưỡng hồng hưu).

Câu đối khác đắp trên cổng đình Hà Hồi lại ngụ ý là thần đã báo mộng ở rừng núi Phụng Hóa, Ninh Bình cho Lê Tương Dực biết sẽ sớm dẹp được Lê Uy Mục: 大 顺 前 扶 襄 翼 敏 集 大 勲 奉 化 岑 崗 著 跡 當 初 ? 傳 此 地 / 弘 定 後 至 景 興 稔 彰 靈 應 昇 龍 廟 貌 明 禋 ? 終 古 及 群 方 (Đại Thuận tiền phù Tương Dực mẫn tập đại huân Phụng Hóa sầm cương trứ tích đương sơ truyền thử địa / Hoằng Định hậu chí Cảnh Hưng nhẫm chương linh ứng Thăng Long miếu mạo minh yên chung cổ cập quần phương). Nếu đúng thế thì ngài là thần Cao Sơn được thờ ở đền Kim Liên.

(Noted by ©NCCông 2015)

Nhân vật và thần Cao Sơn

Thần Cao Sơn và Cao Sơn đại vương là tên gọi các vị thần và nhân vật được thờ ở rất nhiều đình, (...)

Đình Khê Hồi

Đình Khê Hồi có từ thế kỷ XVIII. Thờ: thành hoàng Cao Hiển. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2000). Vị (...)

Đình Hà Hồi

Đình Hà Hồi có từ thế kỷ XVI. Thờ thành hoàng: Cao Hiển. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1985). Vị trí: (...)

Đình Đại (Bạch Mai)

Đình Đại có từ thời Lê trung hưng. Thờ thành hoàng: Cao Hiển. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: (...)

Chú thích

[1Ngày nay gồm: 4 làng Hà Hồi, Phú Cốc, Hoà Lương, Khê Hồi thuộc xã Hà Hồi; 2 làng Bạch Liên, Phương Quế thuộc xã Liên Phương; còn làng Đức Trạch thuộc xã Quất Động.