Tam Giang
Trương Hống và Trương Hát là hai vị Thánh Tam Giang được thờ tại hơn 370 ngôi làng nằm dọc theo ba con sông cổ: sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ. Tương truyền hai ngài là anh em ruột, lớn lên theo Triệu Việt Vương đánh giặc nhà Lương. Về sau Lý Phật Tử dùng mưu lật đổ Triệu Việt Vương, hai anh em đã cùng tự vẫn trên khúc sông Tam Giang chứ không chịu khuất phục làm quan cho vua mới.
Anh linh của các Thánh Tam Giang trên phòng tuyến Như Nguyệt chống giặc Tống đến xâm lược đã âm phù trong hai lần chiến thắng cho tướng sĩ Đại Việt: lần đầu vào năm 981 dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn, lần sau vào năm 1076 dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt.
Theo truyền thuyết ở làng Vân Mẫu, huyện Võ Giàng, xứ Kinh Bắc xưa kia có bà Phùng Từ Nhan chiêm bao thấy Long thần từ trên trời hạ xuống quấn mình trên sông Lục Đầu. Rồi bà mang thai 14 tháng, sinh được 4 trai 1 gái trong cùng một bọc. Bà lấy họ Trương của Ngọc Hoàng và đặt tên cho 5 người con là Hống, Hát, Lừng, Lẫy, Đạm Nương. Sau đó Ngọc Hoàng sai Lã Tiên Ông xuống trần dạy cho đám trẻ tại bãi Tràng Học gần nhà Cổ Trạch.
5 anh em lớn lên đều văn võ song toàn, hăng hái xin gia nhập đoàn quân của Triệu Việt Vương và được làm tướng. Sau khi đánh thắng giặc Lương ở đầm Dạ Trạch, Trương Hống được phong tướng trấn giữ làng Tiên Tảo, Sóc Sơn, còn Trương Hát được phong tướng trấn giữ làng Tam Lư, Từ Sơn.
Khi Triệu Quang Phục lên ngôi vua, Lý Phật Tử đem quân đánh lại mà không thắng, bèn dùng kế cầu hôn gả con. Trương Hống và Trương Hát đã can Triệu Việt Vương nhưng vua không nghe nên mắc mưu rồi bị thất bại. Lý Phật Tử đoạt được ngôi báu, biết các ngài tài giỏi bèn cho người mời ra làm quan song sứ giả bị các ông mắng rằng: “Tôi trung chẳng thờ hai vua, huống hồ hắn là kẻ vong ơn bội nghĩa?”.
Không thể khuất phục được, Lý Phật Tử bèn ra lệnh truy bắt khắp nơi. Các ngài biết khó thoát liền tự vẫn ở sông Cầu, Táo quân cũng trầm mình theo. Nhân dân 372 làng dọc các nơi hai ngài từng đi qua đều thương tiếc, lập đền thờ làm Thần sông. Các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý sau đó được hai ngài âm phù giữ yên bờ cõi nên đã phong là Đức thánh Tam Giang thượng đẳng thần.
(Noted by ©NCCông 2015)