Tứ Vị Thánh Nương
Sự tích được viết trong truyện “Càn Hải Môn Từ” của sách “Việt Điện U Linh Tập” như sau:
“Phu nhân họ Triệu, công chúa nhà Nam Tống, mẹ con ba người, phu nhân là con gái út. Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279) đầu đời Trần Nhân Tông, có Trương Hoằng Phạm đem quân đánh úp quân [Nam] Tống ở Giai Sơn. Quân Tống tan vỡ, Tả thừa tướng là Lục Tú Phu ôm vua Đế Bính, lúc đó mới 9 tuổi, cùng nhảy xuống bể, tướng sĩ nhà Tống chết đuối hai mươi vạn người.
Ba mẹ con phu nhân vin mạn thuyền, trôi đến chùa Hải Giai. Nhà sư thương, đem về nuôi nấng. Sau mấy tháng da thịt phu nhân trở lại đẹp đẽ, sư muốn tư thông, bị phu nhân cự tuyệt. Nhà sư xấu hổ, nhảy xuống biển tự tử.
Mẹ con phu nhân ôm nhau khóc, bảo rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”. Rồi cùng đâm đầu xuống biển chết cả.
Xác phu nhân trôi đến cửa biển Càn Hải, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu nước ta, chết đã lâu mà vẻ mặt vẫn tươi như sống. Thổ dân lấy làm lạ, vớt lên mai táng, sau thấy có nhiều linh dị mới lập đền thờ phụng. Hễ thuyền đi biển gặp sóng to gió lớn, nguy cấp lắm mà van vái phu nhân thì được thoát nạn. Các cửa biển đều có đền thờ, cũng đều linh ứng”.
Đền Cờn được xây dựng dưới thời Trần, ở trên gò Diệc, sát cửa biển Lạch Cờn, thuộc làng Hương Cần, thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Đền từ lâu đã nổi tiếng là đứng đầu trong 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
Tứ vị Thánh nương được ghi trong đền Cờn là ba mẹ con của hoàng gia Nam Tống, gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, công chúa Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Cũng có vài đền thờ khác lại ghi tên Quách Thị hoàng hậu thay cho nhân vật bà nhũ mẫu.
Một nơi xa cửa biển như TP Hà Nội mà cũng có không ít đền thờ Tứ Vị Thánh Nương. Các di tích đó thường nằm ở ven sông Hồng, ven sông Tô Lịch và trên những phố xưa kia có nhiều người gốc Hoa.
(Noted by ©NCCông 2015)