115 Hat Mon Temple

Đền Hát Môn

t.Hai Bà Trưngh.Phúc Thọs.Đáy

Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng. Lễ hội: 6 tháng 3 âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2013). Vị trí: 4JJ6+2H, xã Hát Môn, H. Phúc Thọ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 32km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: ngã ba Hồng Hà—Hát Môn (xe 20c)

Du khách từ Hà Nội theo quốc lộ 32 đi hết thị trấn Phùng sẽ đến xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (xưa là Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây), nơi có một trong ba ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn nhất và lâu đời nhất của nước ta.

Lược sử

Hát Môn nghĩa là cửa sông Hát, nơi Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đuổi thái thú Tô Định về Hán. Sau khi cùng các thủ lĩnh khác chiếm được 65 thành trì ở Lĩnh Nam, Hai Bà bèn tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Năm 43, vua Hán sai danh tướng Mã Viện sang xâm lược. Sau trận đầu thất bại tại Lãng Bạc, hắn bày kế mai phục lật lại tình thế. Hai Bà phải rút quân về giữ Cấm Khê, cuối cùng nhảy xuống sông Hát tự vẫn.

Nhân dân ta đã dựng đền thờ tại hàng trăm nơi để quanh năm đến tế lễ tưởng nhớ và cổ vũ tinh thần bất khuất của Hai Bà. Tương truyền ngôi đền Hát Môn được dân địa phương góp công xây vào thời Tiền Lê, tức thế kỷ X. Trước kia đền vốn nằm trên bãi cát ở cửa sông Hát, sau do sông đổi dòng nên vị trí hiện nay đã ở kề chân đê lùi sâu trong đất liền.

Sân tiền đường đền Hát Môn. Photo ©NCCong 2015

Năm 1991 ngôi đền Hát Môn được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia, đến năm 2014 nâng lên thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Kiến trúc

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện tại mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Từ hai ngả đường đê hướng về cổng đền đều có tấm bia đề chữ "Hạ mã" nhắc nhở vua quan xưa kia qua đây phải xuống ngựa và đi bộ để tôn kính Hai Bà.

Hai bên cổng đền có đắp nổi đôi câu đối:
Đồng trụ chiết hoàn Giao Lĩnh trĩ
Cẩm Khê doanh hạc Hát giang trường.

(Đông Tỉnh dịch: “Mặc cột đồng lành nát, núi Lĩnh cứ vươn cao
Dù Cẩm Khê vơi đầy, sông Hát còn chảy mãi”).

Lễ tế tại đền Hát Môn. Photo ©NCCong 2015

Trước tiên, khách thường rẽ vào miếu "Bà hàng nước" thắp hương cho bà già truyền thuyết đã khuyên Hai Bà tự vẫn để giữ trọn khí tiết. Tiếp theo khách đi qua hai trụ đồng được coi như cổng đền Hát Môn.

Sân trước đền Hát Môn. Photo ©NCCong 2015

Cao Bá Quát đã tiến cúng đôi câu đối khắc trên trụ này:
Túng bất kim đao* thiên khai vận
Ưng vô đồng trụ đái phân cương.

(Đông Tỉnh dịch: “Dao vàng* há chẳng xây lại nước
Cột đồng sao có dựng thành biên”).
* 金 刀 “kim đao” (dao vàng) là chiết tự từ chữ 劉 tức họ “Lưu” của Quang Vũ, vua mở đầu triều đại Đông Hán và sai Mã Viện đem quân đi xâm lược.

Từ cổng đền trên đê đi xuống, du khách sẽ thấy hồ nước với toà thủy đình mới xây ở bên phải rồi đến sân lớn với đàn voi đá, phục dựng nơi Hai Bà làm lễ xuất quân khởi nghĩa. Đối diện sân là tam quan nội ở bên trái. Sau cổng là một sân nữa với những tấm bia và phiến đá xanh được chạm khắc từ thời Lê rồi mới tới thềm rồng dẫn lên cửa tòa tiền tế 5 gian, mặt nhìn chếch về phía tây nam.

Trong tòa tiền tế đền Hát Môn. Photo ©NCCong 2015

Tiếp đó trên nền đắp cao dần là các tòa thiêu hương và hậu cung, nơi có khám thờ với tượng Hai Bà ở bên trong. Phía bên tả ngôi đền cũ gần đây có xây mới một tòa nhà to và khu phụ. Phía trước tam quan nội cũng được mở rộng. Phía sau đền có một gò thấp gọi là gò Ngọc Ấn, tương truyền tại đây nghĩa quân đã chôn giấu các ấn tín và ngọc tỷ của Hai Bà Trưng.

Di sản

Ngôi đền Hát Môn hiện lưu giữ được nhiều đồ thờ cúng cùng hoành phi, câu đối nói lên khí phách, tinh thần quật khởi và công đức của Hai Bà đối với non sông xã tắc. Chính giữa đền treo một bức đại tự đề 4 chữ 樂 雄 正 統 (Lạc Hùng chính thống). Tại tòa tiền tế và thiêu hương có lộ bộ và các hương án, cửa võng sơn son thiếp vàng. Trong hậu cung đặt hai cỗ long ngai và bài vị của Hai Bà.

Ngoài ra trong đền còn bài trí nhiều cổ vật khác có giá trị lịch sử và mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê-Nguyễn. Đáng chú ý là đôi câu đối viết bằng chữ Hán vào thế kỷ XIX:
Đại nghĩa phục phu thù do lệnh Đông Hán đương thời Lĩnh Nam lục thập ngũ thành lao viễn lược
Hồng đồ triệu quốc thống tòng thử Hoàng Đinh nhi hậu Việt Điện sổ thiên dư tải định thiên thư.

(Văn Nhân dịch: “Nghĩa lớn báo thù chồng, sánh ngang Đông Hán cùng thời, sáu mươi lăm thành Lĩnh Nam lập kế lớn
Cơ đồ dựng quốc thống, từ đó Hoàng Đinh về sau, trên mấy nghìn năm Việt Điện định sách trời”).

Lễ hội đền Hát Môn diễn ra mỗi năm 3 lần vào các ngày mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp âm lịch. Lễ hội mồng 4 tháng Chín kỷ niệm ngày Hai Bà làm lễ xuất quân. Trong ngày này sẽ diễn trò múa cờ với sự tham gia của các trai làng và có rất đông khách thập phương trẩy hội.

Lễ hội chính hằng năm tổ chức vào ngày hoá của Hai Bà là mồng 6 tháng Ba. Theo truyền thuyết thì sau khi thoát vây, Hai Bà đã trở về căn cứ cũ tại Hát Môn, có ghé vào quán của “Bà hàng nước” ăn đĩa bánh trôi và 2 quả muỗm. Cho nên trong ngày hội, dân làng cúng bằng những mâm đầy các đĩa bánh trôi. Bánh trôi dâng lên phải đủ 100 viên, sau khi tế lễ xong thì đem 49 viên đặt vào lòng một bông hoa sen thả xuống sông Hồng để trôi về biển cả. Đặc biệt, dân làng Hát Môn không làm và không ăn bánh trôi trước ngày 6 tháng Ba.

Ngày 24 tháng Chạp là lễ Mộc dục. Để chuẩn bị, làng chọn 20 tráng đinh, vào nửa đêm ngày 23 sang ngày 24 rước tượng Hai Bà từ trong hậu cung ra nhà Dội (nhà tắm tượng). Cùng lúc đó, dân chài Hát Môn, cũng gọi là vạn Hát, chèo thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước vào bình mang về nhà Dội pha hương hoa, lá thơm. Khi làm lễ, người ta chỉ lau phủ bụi bặm trên tượng, rồi dùng khăn nhúng nước để lau lần nữa. Sau cùng, rước tượng về thờ ở hậu cung.

Di tích lân cận

©NCCông 2015, Hat Môn temple