349 Giap Nhat community hall

Đình Mọc Giáp Nhất

quận Thanh Xuânthời Phùng Hưngsông Tô Lịch

Đình Mọc Giáp Nhất có từ thời Lê. Thờ: Phùng Lương, tướng của Phùng Hưng. Lễ hội: 10-11 tháng Hai âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: số 213 Giáp Nhất, 2R48+G63, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,7km về hướng 8h. Trạm bus lân cận: số 225 phố Giáp Nhất (xe 104), 220 đường Láng (xe 16, 24, 27).

Lược sử

Làng Giáp Nhất tức Lý Thôn, nằm ở phía nam sông Tô Lịch, gần Cầu Mọc. Thôn này vốn thuộc xã Nhân Mục, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Trước 1945, làng chỉ có 397 khẩu, chia thành hai giáp Đông và Bắc. Đến lập cư sớm nhất là các họ Nguyễn Đình, Nguyễn Bá, Đỗ và Nguyễn Thái Bảo từ làng Chính Kinh chuyển sang, về sau có Nguyễn Tuấn đỗ Đình nguyên, Tiến sĩ khoa Quý Sửu đời Lê Kính Tông (1613), là vị đại khoa đầu tiên của vùng Mọc, sau làm đến Lại bộ Tả Thị lang, tước Hầu, đầu năm 1620 được cử đi sứ sang Trung quốc.

Năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, vùng đất phía nam sông Tô Lịch vẫn còn nhiều rừng nên gọi là Kẻ Mọc, tên chữ Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Rồi dân số tăng, phải chia đôi thành xã Nhân Mục Cựu (gồm: Thượng Đình, Hạ Đình) và xã Nhân Mục (gồm: Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Cứ 5 năm một lần, từ ngày 10 đến 11 tháng 2 âm lịch, 4 làng Mọc kia và dân Phùng Khoang kết chạ lại lần lượt tổ chức lễ hội.

Cổng đình Mọc Giáp Nhất. Photo NCCong ©2017

Đoạn đường gần cầu Mọc thuộc làng Giáp Nhất xưa dân gọi là Đường Vỡ, kỷ niệm nơi giặc vỡ trận. Ngày 20-10-1426, nghĩa quân Lam Sơn do Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy mai phục dọc hai bên đường Thiên lý từ Hà Đông đến cầu Mọc. Khi cánh quân Minh đi đầu lọt vào trận địa, quân ta đổ ra đánh, các tướng giặc là Đào Sâm, Tiền Phụ, Triệu Trinh cùng hàng nghìn lính bị hạ tại trận, số còn lại chạy về thành Đông Quan.

Ngày 5-11-1426, Vương Thông được tăng viện binh liền phái 10 vạn quân đánh ra vùng Mọc, Ba La. Nghĩa quân Lam Sơn mai phục ở Sốm (nay thuộc thị xã Hà Đông) lại bất ngờ tấn công. Quân địch bị giết hơn 1000 tên. Các tướng Minh là Sơn Thọ, Mã Kỳ dẫn tàn quân tháo chạy về Đông Quan. Nghĩa quân đuổi theo đến cầu Nhân Mục, bắt sống 500 tên. Hiện nay, tại khu vực giáp gianh hai làng Giáp Nhất và Cự Lộc còn 7 gò đất, tương truyền là 7 gò đống chôn xác giặc, nên gọi là gò Đống Thây hay gò Kình Quán.

Đại đình Mọc Giáp Nhất. Photo NCCong ©2017

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp nắn đoạn đường Thiên lý cũ từ Hòa Bình, Hà Đông thẳng qua Ngã tư Sở, theo đường Tây Sơn rồi Hàng Bột để vào tòa thành Hà Nội. Cầu xưa xây kiểu ba vòm cuốn, vòm giữa cao để thuyền nhỏ đi qua được. Mặt cầu lát bằng đá xanh, đến thời kháng chiến chống Pháp thì bị du kích phá, về sau cầu được xây lại.

Đình Giáp Nhất thờ Phùng Lương, một vị tướng của Phùng Hưng. Cạnh đình là chợ Mọc và ngôi chùa làng có tên chữ Phúc Lâm Tự, nay cùng nằm trên một phố. Đình có từ lâu đời nhưng đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo. Dân làng từng quyên góp dựng lại hậu cung vào năm 1952 và trùng tu hai tòa hậu cung, đại bái vào các năm 1986, 1990.

Kiến trúc và di sản

Đình nhìn ra sông Tô Lịch ở phía đông bắc. Nghi môn gồm 4 trụ biểu và 2 cửa bên giáp đường Giáp Nhất. Sau cổng là sân gạch lớn có 2 cây muỗm cổ thụ che mát, bên trái và bên phải là 2 ao hoa súng.

Trong đình Mọc Giáp Nhất. Photo NCCong ©2017

Từ sân rộng có 7 bậc đá dẫn lên thềm cao. Đình xây theo kiểu tường hồi bít đốc, gồm đại bái 5 gian có hiên và hậu cung 3 gian nằm song song thành hình “chữ Nhị”. Đình ra đời từ lâu, đến nay chỉ còn giữ được một tấm bia hậu khắc năm 1812 và một tấm bia khác dựng năm Tự Đức 13 (1859). Ngày 31-1-1992, đình Giáp Nhất được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2017, Giap Nhat community hall