242 Tu Dinh (Sung Khanh) pagoda

Chùa Tư Đình (Sùng Khánh Tự)

q.Long Biênt.Lê trung hưngs.Hồng

Chùa làng Tư Đình có từ thế kỷ XVI. Tên chữ: Sùng Khánh Tự, Sùng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 2VHM+FCW, ngõ 26 Tư Đình, P. Long Biên, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 5 km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: Chùa Sùng Khánh - ĐT378 (xe 47a), Quá trường THCS Long Biên - Cổ Linh (xe 100)

Lược sử

Theo truyền thuyết, làng Tử Hình là nơi hành hình các phạm nhân bị xử tội chết, tên khác là Tử Đình, sau mới đổi thành Tư Đình. Đó là một làng nhỏ thuộc xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (tên cũ thời Lê và Tây Sơn, sang thời Nguyễn tới năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm 1889, từ tổng Cổ Linh đã tách ra xã Sài Đồng nhưng làng Tư Đình vẫn thuộc xã Cổ Linh.

Cổng chùa Sùng Khánh. Photo NCCong ©2015

Khi Pháp rồi Nhật lập và mở rộng sân bay Gia Lâm, một phần lớn cánh đồng và đất làng Tư Đình đã bị mất. Năm 1945, xã Cổ Linh đổi thành xã Long Biên, thuộc ngoại thành Hà Nội. Tháng 2-1947, Pháp tái chiếm Hà Nội, làng Tư Đình chuyển sang xã Phi Trường, huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên, đến 1949 cắt về tỉnh Bắc Ninh. Pháp rút đi năm 1954, xã Phi Trường đổi lại thành xã Long Biên thuộc quận VIII, ngoại thành Hà Nội. Tháng 5-1961, xã Long Biên thuộc về huyện Gia Lâm. Tháng 11- 2003, xã được chuyển thành phường Long Biên của quận Long Biên mới thành lập.

Mấy làng Phú Viên, Bồ Đề, làng Trạm, làng Nha vốn nằm kề con đường Thiên lý đi từ các trấn phía Bắc và phía Đông sông Hồng về Thăng Long nên có một vị trí rất quan trọng kể từ thời Lê sơ. Làng Bồ Đề là nơi các vua chúa từng lập “hành trại” để chạy sang lánh nạn; làng Trạm là dịch trạm cuối cùng trên con đường Thiên lý; làng Nha tức “Nha dinh” là dinh thự nơi các quan lại cao cấp tập kết trước khi qua sông để vào yết triều v.v..

Sùng Khánh Tự có từ khoảng đầu thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI), xưa nay chùa vẫn nằm trên đất của làng Tư Đình. Cuối thế kỷ XIX số giáo dân theo đạo Thiên Chúa tại đây bắt đầu tăng nhanh. Chức sắc trong làng họp bàn và phân chia như sau: nhóm lương dân tiếp tục bảo quản và sử dụng ngôi đình, còn chùa thì để cho giáo dân dỡ ra lấy vật liệu xây nhà thờ. Theo tấm bia “Hậu phật bi ký” dựng ngày 28-4-1878 năm Tự Đức thứ 31 thì dân làng Tư Đình đã đóng góp công của để sửa chữa và mở rộng chùa ở vị trí hiện nay.

Tiền đường chùa Sùng Khánh. Photo NCCong ©2015

Theo quyết định số 1972/1911/QĐ-BVHTT ngày 02-01-1991, Sùng Khánh Tự cùng với đình làng Tư Đình[1] đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Sùng Khánh Tự đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần cuối vào năm 2014. Tuy nhiên các công trình trong khuôn viên khá lớn của chùa vẫn được giữ gần nguyên như cũ. Tam quan với gác chuông mới xây lại theo phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, mặt nhìn về hướng tây-nam, bên ngoài đề chữ Nho, trong đề chữ Quốc ngữ.

Tam bảo nhìn về phía đông nam, gồm các tòa tiền đường, thiêu hương và thượng điện được kết nối theo hình chuôi vồ có tường bao quanh, tạo ra một không gian khép kín và trang nghiêm. Toà tiền đường nay rộng 5 gian 2 chái xây kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ta. Nền tiền đường được tôn cao 9 bậc so với mặt sân, gian giữa để trống thông với thượng điện, các gian bên có bệ gạch cao sát tường hậu để đặt các pho tượng Phật giáo. Tòa thượng điện là một nếp nhà dọc sâu 4 gian. Bộ vì ngoài cùng làm kiểu “chồng rường giá chiêng”, các vì trong làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ”.

Vườn tháp chùa Sùng Khánh. Photo NCCong ©2015

Nằm bên hữu sân chùa là nhà thờ Mẫu 3 gian 2 chái, quay về phía đông bắc và được kết nối theo hình chuôi vồ, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai. Cũng giống như thế là ngôi nhà Tổ nằm đối diện nhà Mẫu qua giả sơn và tượng đài Quan Âm Nam Hải mới xây. Vườn tháp mộ tọa lạc ngay bên tả tòa Tam bảo. Ngoài những bộ phận kể trên, còn có một số nếp nhà ngang nhỏ để làm nơi tiếp khách và phục vụ cho sinh hoạt của tăng ni, Phật tử.

Di sản

Sùng Khánh Tự vẫn giữ được bộ bát bửu của đạo Phật, 7 hoành phi, 8 đôi câu đối, 2 y môn chạm nổi mai trúc lão, 6 chân đèn gióng trúc, 2 cuốn thư chạm hoa điểu thế kỷ XIX, quả chuông đồng đúc thời Nguyễn, 2 bia đá thời Nguyễn, 4 bức cửa võng sơn son thiếp vàng thế kỷ XIX và 26 pho tượng khác nhau được tạo tác từ thế kỷ XVII đến XIX. Căn cứ theo hệ thống tượng tròn này có thể đoán niên đại ra đời chùa muộn nhất cũng vào khoảng đầu thời Lê trung hưng (1533–1789).

Hộ pháp chùa Sùng Khánh. Photo NCCong ©2019

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Đình Tư Đình thờ: Đô Hồ, Đại Lã đại vương (2 vị hiển ứng giúp vua Lê Đại Hành chống Tống năm 981), Tương Liệt đại vương Nguyễn Thành Công (người Hải Dương, giúp Hai Bà Trưng đuổi Tô Định), Vũ Thị Ý (người làng, vú nuôi con vua Lý Thái Tổ) và hoàng tử Linh Lang (mất cuối thế kỷ XI, được thờ ở 269 làng, đền chính là tại Thủ Lệ). Linh Lang đại vương quan trọng nhất, quyết định thời gian, hình thức lễ hội và những điều húy kỵ của dân làng Tư Đình.

©NCCong 2013-2021, Tu Dinh (Sung Khanh) pagoda