262 Tram village hal

Đình làng Trạm

s.Hồngq.Long Biênt.Hai Bà Trưngđình

Đình làng Trạm có từ thời Lê. Thờ: 4 vị thành hoàng Tương Liệt đại vương, Lê Phụng Hiểu, Nam Khê, Xuyên Hoa. Xếp hạng: Di tích thành phố (2006). Vị trí: 2VFQ+8W, số 205 đường Bát Khối, P. Long Biên, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 6km (hướng 3h). Trạm bus gần nhất: Đd chùa Nghiêm Quang (xe 47a), 106 -108 Cổ Linh (xe 100)

Lược sử

Làng Trạm và làng Tư Đình nằm cạnh nhau, xen giữa hai làng Nha và Bồ Đề, kề sát con đường thiên lý từ các trấn phía Đông chạy về kinh thành Thăng Long, cho nên giữ một vị trí rất quan trọng với kinh đô từ thời Lê Sơ trở đi. Tương truyền làng Bồ Đề là nơi các vua lập “hành trại” khi rời khỏi kinh đô, làng Nha tức “Nha Dinh” là dinh thự của các quan tập kết ở bờ Bắc sông Hồng để vào thành Thăng Long yết triều, còn làng Trạm là trạm cuối cùng trên con đường đó.

Làng Trạm có ngôi đình thờ Tương Liệt đại vương Nguyễn Thành Công cùng 3 vị thành hoàng nữa là: Đô Thống Đại vương Lê Phụng Hiểu, Nam Khê và Xuyên Hoa công chúa; tuy được triều đình ban phong cho làng thờ cúng (có thể từ thời Hậu Lê) nhưng đến nay trong đình không còn giữ được bản thần tích.

Cạnh đình có ngôi chùa Nghiêm Quang Tự. Cả hai đã cùng được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2006.

Tam quan đình làng Trạm. Photo ©NCCong 2015

Tương truyền Nguyễn Thành Công là một vị tướng người gốc từ trang Bích Thủy, huyện Thanh Miện, đạo Hải Dương. Ngài đem 500 quân tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đuổi Tô Định, thu 65 thành, rồi được phong thực ấp ở huyện Gia Lâm. Khi Vua Bà thất trận, Ngài phá vòng vây của Mã Viện, chạy đến trang Tâm Quy, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, châu Ái, thì hóa vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch, được thiên táng.

Con đường lớn trong làng Trạm trước đây chỉ là đường đất, thường trở nên lầy lội sau mỗi lần mưa to. Bây giờ thì nó đã trở thành một con phố được trải nhựa và bê tông hóa. Phố Trạm dài chưa đến 500m, được HĐND và UBND TP Hà Nội quyết định đặt tên vào tháng 6-2012. Phố nằm ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy, vì vậy việc đi lại của người dân cũng thuận lợi hơn rất nhiều, chỉ cần qua cầu là đã vào nội đô.

Gần đây làng Trạm lại có thêm con phố Cổ Linh ăn thông với đường xa lộ AH14. Các con ngõ trong từng xóm cũng đều lát gạch, trải xi măng. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên khắp nơi trong làng, du khách khó mà tìm ra một mái ngói ta ở bên ngoài khu vực đình, chùa. Dân làng Trạm cũng không còn trồng rau, cấy lúa như xưa.

Đình làng Trạm. Photo NCCong ©2015

Kiến trúc

Đình làng Trạm tọa lạc bên cạnh nơi tương truyền là nền ngôi miếu thờ Tương Liệt đại vương có từ lâu đời trước kia mà sau UBND xã đã lấy đất xây trụ sở. Đình từng trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc coi như đã được định hình từ hai đợt tôn tạo gần đây nhất vào năm 1991 và 2010. Mặt đình quay về hướng nam nhìn ra đê sông Hồng. Cổng đình khá to cao, du khách có thể nhìn thấy từ xa; hiện nay có dáng dấp như nghi môn tam quan ngoại của chùa Láng.

Sau cổng đình là sân gạch khá rộng rồi đến một hồ bán nguyệt nhỏ có tường đá xanh bao quanh và hai cầu ao hai bên bức bình phong đắp cuốn thư. Khu đình trong còn có một sân gạch nữa nhưng hơi bé hơn, hai bên là hai dãy nhà tả, hữu mạc gồm ba gian cửa bức bàn. Tiền đường đại bái rộng 3 gian 2 dĩ, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Phía bên hữu đình giáp với ngõ và sân trước của chùa Nghiêm Quang Tự.

Di sản

Tại đình làng Trạm hiện còn lưu bản thần tích do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (Nhâm Thân 1572) kể về thành hoàng Tương Liệt đại vương Nguyễn Thành Công. Vua chúa các triều đại sau đều ban sắc phong Ngài là thượng đẳng phúc thần.

Trong đình làng Trạm. Photo ©NCCong 2015

Điện thờ Ngài có bức đại tự gồm 4 chữ Hán "Nam Giao Danh Tướng" và nhiều câu đối, chẳng hạn:
"Kỷ tải dực Trưng vương Tô tặc bình dư long tướng ấn
Ngũ thôn chiêm Thánh đức Quy trang hóa hậu ngật thần từ"
 [1]

Trải qua nhiều thế kỷ, cổ vật trong đình nay chỉ còn ngai thờ và ché nước thời Mạc và dấu tích trùng tu mang niên hiệu Gia Long 14 (1815). Hội đình làng trước kia gồm đủ cả 5 thôn tham gia với nhiều nét đặc sắc, hàng năm diễn ra long trọng từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Hai âm lịch, trong đó có lễ rước nước sông Hồng từ bến Bồ Đề khá xa.

Di tích lân cận

©NCCong 2015-2020, Tram village hal

[1Bao phen phù Vua Bà, dẹp tan giặc Tô, ấn tướng rạng rỡ
Năm thôn thờ Đức Thánh, hiển hóa làng Quy, đền đẹp linh thiêng.