25 Hemp street

Phố Hàng Gai

Phố Hàng Gai dài 250m. Đi từ ngã phố Hàng Đào - Lê Thái Tổ - Cầu Gỗ, qua 2 phố Lương Văn Can, Tố Tịch và đến ngã phố Hàng Hòm - Hàng Trống—Hàng Bông. Nay thuộc: phường Hàng Gai, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 50m (hướng 10h). Trạm bus lân cận: BX Bờ Hồ (xe 09, 14), 56 Hàng Cân (31), 30 Đường Thành (01)

Cuối phố Hàng Gai. Ảnh NCCong ©2013

Giới thiệu

Phố Hàng Gai hiện nay có tới hơn trăm cửa hàng, trong đó gần hết đều kinh doanh tơ lụa hoặc hàng hóa và dịch vụ gắn với tơ lụa. Dọc phố Hàng Gai có biển hiệu của các gia đình kinh doanh tơ lụa lâu đời. Hiệu Tân Mỹ người gốc Hà Đông, đã có ba thế hệ nối tiếp nhau làm nghề thêu ren. Hai hiệu Cự Long, Cự Thành xuất xứ từ làng Cự Đà với nghề dệt kim. Hiệu Phúc Thịnh vẫn còn hai chữ P và T lồng vào nhau, hiệu Đức Lợi nay thêm chữ “Queen Silk”, v.v..

Đình Đông Hà từng có ở đầu Hàng Gai

Lược sử

Từ thời Lê, phố Hàng Gai là một khúc giữa của con đường quan đi từ bến sông Nhị Hà đến Cửa Nam của Hoàng thành. Phố nằm trên đất thôn Cổ Vũ, huyện Thọ Xương cũ. Những di tích thời ấy sau mất dần hoặc bị lấn chiếm, nay chỉ còn lại ngôi đình Cổ Vũ nhỏ hẹp ở 85 Hàng Gai với cây đa cổ thụ trước cửa, che mát cả lòng đường. Bên trong đình có thờ thần Bạch Mã và Linh Lang là hai vị thành hoàng của nhiều làng cổ ở Thăng Long.

Thợ tiện gỗ trên phố Hàng Gai cuối thế kỷ XIX

Nhà văn Hữu Ngọc (1918), người sinh ra và lớn lên ở đây, nói cạnh ngã phố Hàng Gai - Tố Tịch từng có ngôi đình Đông Hà thờ một vị thành hoàng không rõ lai lịch. Trước đình là một gốc bàng cổ thụ. Khi mở rộng phố thì đình bị phá và cây bàng về sau cũng không còn nữa; bài vị thành hoàng được đưa lên gác của một hàng nước.

Trong phố trước kia toàn những ngôi nhà cổ xây một tầng, nếu có gác thì cũng là gác xép kiểu “chồng diêm”, không có cửa sổ hoặc chỉ trổ một cửa sổ nhỏ trông xuống đường. Mặt ngoài nhà đóng cửa lùa, che mành mành, nhô ra thụt vào vỉa hè. Nhà thường hẹp bề mặt nhưng ăn sâu vào trong, chia thành nhiều lớp, cách nhau bằng những khoảng sân vuông. Lớp trong đôi khi có nhà gác, vườn hoa cây cảnh, cổng sau thông ra ngõ hoặc phố khác. Chẳng hạn nhà số 7 thông với đường xuống bờ hồ Hoàn Kiếm, cổng sau nhà số 63 ở ngõ Hàng Hành, nhà số 80-82 có lối ra ngõ Hàng Chỉ.

Hàng Gai dịp Trung thu. Ảnh: Kahn 1915

Thời xưa, đoạn từ phố Hàng Đào đến Tố Tịch gọi là phố Hàng Tiện vì người làng Nhị Khê (phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ) đã mang nghề tiện gỗ ra đây lập nghiệp. Những chiếc máy tiện lúc đó hoạt động bằng sức đạp của đôi chân, mãi sau này mới có sức điện thay thế. Sản phẩm làm ra là những chiếc mâm gỗ, ống hương, bàn tròn, đài rượu, song cửa v.v.. Đoạn còn lại từ phố Tố Tịch[1] đến Đường Thành lại chuyên bán dây đai, dây thừng bằng gai nên có tên là phố Hàng Gai. Đây cũng là nơi bán các đồ chơi của con trẻ làm bằng giấy, đặc biệt nhộn nhịp vào dịp Tết Trung thu.

Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, cánh thợ tiện gỗ và làm thừng gai ở phố này đã dần dà phải nhường chỗ cho những nhà giầu dám bỏ vốn vào nghề in sách và nghề buôn tơ lụa. Dân làng Liễu Tràng tỉnh Hải Dương mang nghề khắc chữ mộc bản đến phố Hàng Gai cùng nhau lập những xưởng in. Các nhà xuất bản như Tự văn đường tàng bản và Quán văn đường tàng bản đã ra đời ở đây…

Hàng Gai—Tố Tịch. Ảnh NCCong ©2013

Sau khi quân Pháp đánh Hà thành lần thứ hai vào năm 1882, nhiều hộ dân ở các phố quanh Hồ Gươm đóng cửa di tản về quê. Chính quyền thực dân đặt trụ sở hành chính tạm thời ở đình chùa và các nhà vắng chủ. Ngôi nhà số 80-82 phố Hàng Gai bị lấy làm tòa Công sứ của Bonnal. Các nhân viên Pháp và người Nam Kỳ theo ra ở quanh đó. Nha kinh lược sứ của Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp[2] thì đóng ở số nhà 79 cho đến khi bị giải thể vào năm 1897.

Bước sang thế kỷ XX, các nhà in Đông Kinh ở số 82 và Ngô Tử Hạ ở số 101 đã trang bị công nghệ mới, in sách quốc ngữ bằng chữ đúc, vừa nhanh vừa rẻ hơn cách in cũ bằng ván gỗ khắc. Phố Hàng Gai trở thành cái nôi của nhiều tờ báo như: Hữu Thanh, Khai Hoá, Khoa Học, Đông Pháp… Dọc phố còn có thêm một làn đường xe điện với các tuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy và Bờ Hồ - Hà Đông.

Cây đa đình Cổ Vũ. Ảnh NCCong ©2013

Những năm 1930 trở đi, Hàng Gai trở thành một phố của các cửa hàng bán bài ngà kim khánh cho “ các quan” được phẩm hàm của triều đình, bán tẩu, hộp thuốc lá đồi mồi và đồ bạc chạm cho người sang trọng, bán mũ, khăn xếp. Trải qua Cách mạng tháng Tám 1945 và cuộc Kháng chiến chống Pháp 1947-1954, phố vẫn làm ăn phát đạt vì không bị tàn phá gì đáng kể.

Từ khoảng năm 1960, người phố Hàng Gai đa số đi làm ở công sở, các chủ cửa hàng thì vào công ty hợp doanh, kiểu buôn bán tư thương bị coi thường. Cho đến cuối thập kỷ 1980 hầu như mọi nhu yếu phẩm của dân sở tại là do 4 cửa hàng quốc doanh nằm trên phố Hàng Gai cung cấp. Thời kỳ bao cấp cũng có một vài hợp tác xã và cửa hàng tư nhân ở đây được nhiều người Hà Nội nhớ đến như: Núi Điện, hiệu ảnh Tam Anh, HTX khắc dấu Tinh Hoa, quán cà phê Giảng.

10-10-1954: Hàng Gai chờ đón đoàn tiếp quản

Sang thế kỷ XXI các hộ ở đây không chỉ kinh doanh những đồ tơ lụa may sẵn mà đã có những mặt hàng mang nét riêng cho mình. Cự Thành chuyên về vải, Hoa Silk chuyên về khăn lụa, Kelly Silk chuyên may đo nóng, Khai Silk luôn hấp dẫn bởi những thiết kế Âu hóa trên nền chất liệu Á Đông… và De Maison với biểu tượng thuyền buồm luôn dành tặng cho thượng khách những phụ kiện trang phục hay quà lưu niệm gây ấn tượng bất ngờ.

Phố Hàng Gai còn là nơi sinh ra và lớn lên của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh (1907-2009) trước khi ông mua được một mảnh đất và xây căn nhà 2 tầng ở số 36 phố Tuệ Tĩnh. Ông chơi ảnh nghệ thuật từ rất sớm với một máy Zeiss Ikon đời 1928. Năm 1938, bức ảnh “Đẩy thuyền ra khơi” của ông đã đoạt giải ngoại hạng trong một triển lãm ảnh tại Paris. Sau 1975 ông vào TP HCM sống và làm việc cho đến khi mất. Võ An Ninh đã có một số ấn phẩm và hàng vạn bức ảnh đẹp để lại cho đời sau, trong đó những tác phẩm đầy giá trị lịch sử đã mang lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh 1996.

Võ An Ninh (1907-2009)

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2015, Hang Gai (Hemp) street
[1] Hai chữ “Tố Tịch” nghĩa là chiếu trắng, chưa in hoa, có lẽ ở phố này thời xưa thường dệt và bán chiếu trắng.
[2] Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) người làng Lủ (Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Đông), làm quan nhà Nguyễn trải qua bảy triều vua từ Tự Đức đến Thành Thái, một trong các đại thần chủ việc nghị hòa với Pháp.

Tập hồ sơ