598 Paintbrushes street

Phố Hàng Bút

Rue des Pinceaux

sông Tô Lịchquận Hoàn Kiếmthời Nguyễn

Phố Hàng Bút dài 68m, nối liền phố Thuốc Bắc với phố Bát Sứ. Nay thuộc: phường Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 700m (hướng 10h). Trạm bus lân cận: 56 Hàng Cân (xe 31), 50 Hàng Cót (01, 36, 36ct), 115 Phùng Hưng (01, 18, 23, 36, 36ct).

Lược sử

Phố Hàng Bút hiện nay dài 68m, rộng 6m, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Phố vừa ngắn vừa hẹp, hầu như không có vỉa hè và thường bị xe đỗ chật cứng. Theo chiều đông-tây đi từ phố Thuốc Bắc đến phố Bát Sứ, nếu du khách chú ý sẽ thấy ở bên tay phải quãng giữa phố có nhà số 6 là cổng hậu của ngôi đình Đông Thành (cổng chính mang số 7 phố Hàng Vải).

Sách sử nhà Nguyễn cho biết vào đầu thế kỷ XIX nơi đây từng có một cái chợ mang tên Đông Thành Thị, tức là chợ ở phía đông của thành Hà Nội, thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Sau khi thành lập thành phố Hà Nội, người Pháp đã quy hoạch lại. Chợ Đông Thành Thị được chuyển về chợ Đồng Xuân, cách đó gần 400m. Một cạnh của khu chợ cũ vốn có tên là phố Hàng Mụn được họ đặt tên là Rue Combanère. Còn cạnh kia của chợ là phố Hàng Bút (cũ) thì gộp vào cuối Rue des Médicaments (phố Thuốc Bắc), đoạn từ ngã ba phố Hàng Phèn đến ngã tư phố Hàng Bồ - Hàng Thiếc, xưa chuyên bán các thứ hàng giấy bút và đồ dùng văn phòng khác.

Ngã phố Hàng Bút - Thuốc Bắc. Photo NCCong ©2015

Từ xa xưa, giấc mộng tiến thân của nhiều chàng trai Việt là thi đỗ làm quan. Hầu hết các triều đình đều sử dụng chữ Hán, người viết khom lưng chấm bút lông vào cái nghiên đá mài mực đen xì. Lỡ viết hỏng hay phạm huý thì phải cung kính đốt tờ giấy đi, gọi là hoá.

Đầu thế kỷ XIX Hồ Xuân Hương từng vay tiền mở hàng bán giấy bút mực, nhân thể làm thơ chế diễu bọn hám danh. Các cô gái thời đó thích hát những câu như:
Chẳng tham cái bút cái nghiên
Chẳng tham ruộng cả ao liền gì đâu.
Phải duyên phải lứa cùng nhau
Dẫu mà áo vải cơm rau cũng về.

Họ còn hay trêu chọc đám nho sinh:
Ai ơi chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm...

Ngã phố Hàng Bút - Bát Sứ. Photo NCCong ©2014

Tên phố Hàng Mụn thời xưa xuất phát từ việc có mấy cửa hàng tận dụng các đầu vải, mụn vải để may quần, áo, mũ, tất, và khâu những chùm “bùa tua bùa túi” cho trẻ em đeo trong dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Năm 1951, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín - thị trưởng TP Hà Nội đã đổi Rue Combanère thành phố Hàng Bút (mới) và tên này được giữ nguyên đến bây giờ.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2020, Hang But (Paintbrushes) street

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông