701 Kim Quan community hall

Đình Kim Quan

q.Long Biêns.Đuốngt.Lê trung hưng

Đình Kim Quan có từ thời Lê. Thờ 5 vị: Linh Lang, Lê Đạt Chiêu, Trịnh Đồ Tư, Đào Hoa, Phương Dung. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 3W52+69, P. Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: O6 Big C Long Biên (xe 11), 351 Ngô Gia Tự (xe 10A, 10B, 15, 17, 42, 43, 48, 54).

Lược sử

Dưới triều vua Lê Hiến Tông 黎 憲 宗 (1497-1505), có Phò mã Đô úy Lê Đạt Chiêu, tước Lâm Hoài bá, được giao trông nom việc lập các sở đồn điền ven Thăng Long. Thấy làng Bạch Thổ (“đất trắng”, nằm ở ngoài bãi sông Hồng, giữa Bát Tràng và Giang Cao hiện nay) nhiều năm bị nước lũ sông Hồng gây lở đất, mất mùa, bá tước bèn tâu vua cho di dân khai khẩn vùng phía nam sông Đuống còn đang bỏ hoang. Lại có quan Trịnh Đồ Tư rất giỏi phong thuỷ đã cắm đất, định hướng cho dân dựng nhà cửa, hình thành làng xóm và đặt tên là Kim Quan (cửa vàng).

Bốn gia tộc Âu, Lý, Nguyễn, Đinh tham gia khai khẩn đầu tiên. Khi họ đông lên, bá tước tiếp tục di dân khai phá vùng đất phía bắc sông Đuống, hình thành khu Kim Quan Đông; còn khu cũ gọi là Kim Quan Thượng. Đến đầu thời Nguyễn, Kim Quan là một sở thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Khoảng giữa thế kỷ XIX, sở Kim Quan được chuyển thành thôn, đến năm 1928 có 1154 nhân khẩu. Thôn Kim Quan từng có hai vị đỗ hương cống - cử nhân đều mang họ Đinh là cụ Đinh Gia Tạo (khoa Kỷ Mão - 1819, đời vua Gia Long) và Đinh Gia Trân (Mậu Thìn - 1868, đời vua Tự Đức).

Trong đình Kim Quan. Photo NCCong ©2021

Sau tháng 8-1945, Kim Quan (cả Đông và Thượng) cùng các làng Lệ Mật, Trường Lâm, Ô Cách gộp thành xã Việt Hưng, vẫn thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 11-1954, Kim Quan Đông nhập vào xã Yên Viên, còn xã Việt Hưng thuộc quận VIII Hà Nội. Năm 1961, xã Việt Hưng cắt về huyện Gia Lâm. Năm 1982 thành lập 2 thị trấn Sài Đồng, Đức Giang và tách làng Ô Cách ra khỏi Việt Hưng. Tháng 11-2003, xã chuyển thành phường Việt Hưng của quận Long Biên mới thành lập.

Cũng theo nguồn thư tịch tại di tích Kim Quan, ngôi đình được xây dựng từ thời Lê, bên trong hậu cung thờ 5 vị thành hoàng làng gồm: Linh Lang đại vương, bá tước Lê Đạt Chiêu, người Bắc quốc là Trịnh Đồ Tư và 2 công chúa Tổ sư nghề ca trù. Tương truyền Thiên Tiên Đào Hoa và Hà Tiên Phương Dung công chúa có tài ca hát, từng vào doanh trại giặc (?) đem lời ca tiếng nhạc để mê hoặc chúng và dụ hàng nhiều tên, góp phần lập nên chiến thắng chung.

Đình làng Kim Quan nằm trong cụm di tích gồm đình, chùa, nghè, miếu, văn chỉ và giếng nước được đào từ cuối thế kỷ XV. Ngày 11 tháng 6 năm 1992, ngôi đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Trong đình Kim Quan. Photo NCCong ©2021

Kiến trúc

Dáng vẻ của đình làng Kim Quan hiện nay có được là nhờ công trình tu bổ, tôn tạo vào năm 2016-2017. Đình nằm trên khu đất cao của làng trong một khuôn viên rộng và khá vuông vắn, cổng nhìn ra một ao lớn, xung quanh có các cổ thụ. Sau cổng là sân ngoài, rồi đến nghi môn nội và sân trong, hai bên là nhà tả hữu mạc. Toà tiền tế gồm 7 gian nhà gỗ lim, mặt quay về phía đông nam, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, bộ kèo làm kiểu chồng rường. Trong ống muống treo hoành phi với 5 chữ Hán "Thượng đẳng tối linh từ" và bức đại tự cổ đề "Thánh cung vạn tuế". Hậu cung nhỏ hơn và có xây bệ, trên đặt ngai thờ của 5 vị thành hoàng làng.

Ngôi đình hiện vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp của nghệ thuật trang trí truyền thống. Đáng chú ý nhất là những hình chạm khắc trên bộ khung gỗ. Hầu hết chi tiết trên các bức cốn, thanh kẻ, đầu dư, đầu bảy đều được tạo tác trau chuốt với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các câu đối ca ngợi công đức của 5 vị thành hoàng phù trợ cho dân làng, trong đình còn có một số đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu với các đề tài truyền thống như rồng, mây, hổ phù, tứ linh, tứ quý, hoa văn, lá, tạo tác từ thế kỷ XVII-XVIII.

Vườn đình Kim Quan. Photo NCCong ©2021

Di sản

Hội làng Kim Quan diễn ra hàng năm từ mồng 8 đến 10 tháng Hai âm lịch, mở đầu bằng nghi thức rước nước và dâng hương. Nếu ngày đầu tiên dành cho làng chủ tế thì ngày thứ hai quyền này thuộc về bốn gia tộc khai mở đất là Âu, Đinh, Nguyễn, Lý nhằm tôn vinh các dòng họ có công. Sau đó mới đến lễ Tế thánh của nhân dân và khách thập phương, … Trong 3 ngày lễ hội còn diễn ra nhiều trò vui chơi giải trí như: giao lưu văn nghệ và thi đấu thể dục thể thao quần chúng, các trò chơi dân gian và diễn xướng dân ca ở cửa đình.

Di tích lân cận

©NCCong 2021, Kim Quan community hall