702 Truong Lam community hall

Đình Trường Lâm

q.Long Biênt.Lýs.Đuống

Đình Trường Lâm có từ thế kỷ XIX. Thờ 3 vị thành hoàng: đại vương Linh Lang, phu nhân Đào Hoa và Phù Nương. Lễ hội: 8-10 tháng Hai âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992), Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2018). Vị trí: 3V4V+VX, phố Hoa Lâm, P. Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: 168B Ngô Gia Tự (xe 10A, 10B, 15, 17, 42, 43, 48, 54).

Lược sử

Trường Lâm thời Lý có tên Lâm Ấp, thời Lê gọi là Hoa Lâm, năm 1841 đổi thành Trường Lâm, nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội. Đình làng thờ Linh Lang đại vương Hoằng Chân, con của vua Lý Thánh Tông. Hoàng tử tham gia đánh đuổi giặc Tống, rồi mất sau khi chiến thắng và được phong làm Trấn tây Kinh thành Thăng Long. Trong số 269 nơi thờ Ngài trên cả nước thì quận Long Biên có 13 di tích và đình Trường Lâm được coi như đứng đầu quận. Trong đình còn thờ phu nhân Đào Hoa và Phù Nương là hai vị nữ thành hoàng có công dạy hát cho dân và từng làm suy yếu tinh thần quân Tống bên kia sông Như Nguyệt.

Đình Trường Lâm. Photo NCCong ©2014

Đình cũ có từ năm 1846 với mặt bằng hình “chữ Công”, hai bên là 2 nhà giải vũ. Năm 1903, tòa đại đình được chuyển về vị trí hiện nay, thay toàn bộ tường gạch Bát Tràng của tòa hậu cung và ống muống cùng hệ khung gỗ của ống muống. Trong đợt tu bổ năm 1913 phần gỗ mái của hậu cung cũng được thay, đồng thời xây mới một hệ tường gạch thẻ phần “nhà quan” và “nhà cụ thọ” ở hai bên nhà giải vũ. Tòa tiền tế được xây năm 1925, sau đó là nhà tả mạc và nghi môn ở sân trước.

Nửa cuối thế kỷ XX, hợp tác xã nông nghiệp đã sử dụng đình làm kho, đến những năm 1979, 1980 đình mới bắt đầu được khôi phục. Năm 1982 đã sửa chữa toàn bộ cửa đình, năm 1987 đảo ngói, chống ẩm và chỉnh trang diện mạo. Một tượng đài với phương đình được xây dựng cuối thế kỷ XX, ghi lại sự kiện Hồ chủ tịch về thăm vào sáng mồng một Tết Mậu Tuất (18.2.1958).

Sân trong đình Trường Lâm. Photo NCCong ©2014

Ngày 21.01.1992, đình Trường Lâm được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2018, đình có thêm danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30.01.2018 và bằng công nhận các đạo sắc phong của địa phương là tài liệu quý, hiếm tại Quyết định số 1016/QĐ-UBND ngày 05.03.2018 do Chủ tịch UBND thành phố ký.

Kiến trúc

Năm 2004 đã thay thế hầu hết các cấu kiện kiến trúc bằng gỗ. Hiện vật còn sót lại của ngôi đình cũ gồm bộ đầu dư và 2 bức cốn chạm hình “rồng ổ” tại gian giữa của đại đình, cùng với bộ cửa võng cũng có phong cách chạm trổ của nửa đầu thế kỷ XVIII. Nghi môn đình Trường Lâm nhìn về phía đông-nam ra một toà thủy đình xây trên nguyệt hồ. Sau nghi môn là sân gạch, hai bên có tả hữu vu. Tòa đại đình gồm 5 gian, 2 chái với bộ vì kèo bằng gỗ lim và 4 hàng cột, kết nối thành hình “chữ Công” với ống muống và hậu cung.

Hội đình Trường Lâm

Phần bẩy hiên cũ của bộ vì này đã mất khi dựng thêm tòa tiền tế vào năm 1925. Kết cấu gỗ được thay mới toàn bộ bằng gỗ lim, song vẫn lưu giữ được nhiều họa tiết đục chạm cũ. Cấu tạo vì kèo theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường con nhị hạ kẻ”, riêng 2 vì chính ở gian giữa có cốn bưng chạm hình “rồng ổ”. Toàn bộ nền đình được chia thành 2 cấp, gian giữa hạ thấp xuống khoảng 30cm, hai bên đã không còn làm sàn gỗ mà chỉ xây cao hơn để tạo không gian hành lễ.

Cấu trúc tiền tế được mở rộng do kết cấu vì mái làm theo kiểu “cột trốn đứng trên quá giang”, quá giang lại gối 2 đầu lên tường trụ xây cuốn. Cả 6 bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường hạ cốn”. Toàn bộ các chi tiết gỗ có chạm rồng, phượng. Phía ngoài, 5 bộ cửa bức bàn được chạm trổ hoa lá theo kiểu “thượng song hạ bản” và hiên xây cuốn gạch, tạo hình thức mặt đứng theo kiểu kiến trúc cung đình Huế, thịnh hành trong thời kỳ đầu thế kỷ XX.

Bên trong đình Trường Lâm. Photo NCCong ©2014

Trong đợt tu bố năm 2004 hệ kết cấu gỗ 3 gian hậu cung của đình được gia công khá đơn giản theo lối “bào trơn đóng bén” với kiểu “vì kèo chồng rường”. Phần ống muống có 4 gian 8 cột với các bộ vì kèo kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ” ngồi lên xà nách, đầu xà gối vào tường hồi. Bộ vì đầu tiên có các bức cốn chạm trổ tinh vi tạo nên vẻ uy nghiêm với hình tượng “rồng chầu 2 bên”, vì nóc chạm hình “hổ phù ngậm chữ thọ”, xung quanh là các đường hoa văn chữ triện và hoa lá; phía trên cửa cung có bức đại tự sơn son thếp vàng ghi bốn chữ “Thánh Cung Vạn Tuế”.

Di sản

Lễ hội làng Trường Lâm diễn ra hàng năm từ 8 đến 10 tháng Hai âm lịch, có trò múa “lột rắn” ca ngợi công đức của thánh Linh Lang với 15 thanh niên vận quần trắng, áo trắng viền vàng đóng thành hình rắn luồn lách trong cung hay nằm cuộn trong kiệu bát cống vừa đi vừa xướng: “Bạch xà đại tướng, mình dài muôn trượng, đi khắp 4 phương, hộ quốc an dân, khang dân vật thịnh, trở về làng ta, là Trường Lâm sở, mở hội xướng ca, đình trung vui vẻ, chúc già mạnh khỏe, trẻ được bình an, con cháu thảo hiền, nhân dân thờ phụng…”. Trong ba ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa thể thao khác, như thư pháp, chọi gà, thi đấu cờ tướng, bóng bàn, bóng chuyền...


Trong đình Trường Lâm hiện bảo lưu được các hiện vật quý như 13 đạo sắc phong rải rác từ đời Cảnh Hưng đến Bảo Đại và 02 bức hoành phi sơn son thếp vàng. Trong hậu cung vẫn còn một đôi câu đối chữ Hán, đại ý ca ngợi "Thái tử Hoằng Chân con vua Lý có công giữ nước / Chiến công sông Nguyệt oanh liệt truyền từ xưa tới nay".

Di tích lân cận

©NCCong 2014-2021, Truong Lam community hall