721 Phuc Thuy community hall and temple

Đình, đền Phúc Thụy

huyện Thanh Oaithời Bắc thuộcsông Nhuệ

Đình, đền Phúc Thụy có từ thời Lê. Thờ: thừa tướng Lữ Gia. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: RRH5+MG, xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 30km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Đối Diện UBND Xã Tân Ước (xe 125).

Lược sử

Thôn Phúc Thụy có tên nôm là làng Chảy, nay thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Đình làng nằm trên một mảnh đất cao ráo ở giữa hai thôn Phúc Lâm và Thượng Thụy cũ, gần như đối diện với nhà thờ Phúc Lâm.

Các cụ già địa phương cho biết đình được xây vào thời Lê trung hưng và thờ thành hoàng Lữ Gia. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, vua Triệu Đà chết năm 137 TCN, cháu là Hồ kế ngôi Nam Việt vương. Lữ Gia làm thừa tướng suốt bốn đời vua tiếp theo cho đến năm 111 TCN, khi ông bị giết trong cuộc xâm lăng của nhà Hán.

Cổng đình Phúc Thụy. Photo NCCông ©2019

Tương truyền Lữ Gia từng ở Giao Châu, cho nên sau khi ngài mất dân chúng tại một số nơi đã xây đền thờ ngài. Đền Phúc Thụy còn có tên gọi đền Chảy. Đền toạ lạc tại bãi Gấu, dân làng tin rằng đó là dấu tích của dòng sông cổ Đỗ Động giang và thừa tướng Lữ Gia bị chém đầu tử trận ở trước cửa đền.

Trong đình, đền Phúc Thụy còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật từ thời Lê đến thời Nguyễn như: lư hương, long ngai, bài vị, đỉnh đồng, hoành phi, câu đối, cửa võng, các đạo sắc phong và thần phả ghi lại sự tích của thành hoàng làng. Hội đền và đình làng Chảy được nhân dân tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Ngày 15-02-1992, đình Phúc Thụy được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Sân đình Phúc Thụy. Photo NCCông ©2019

Kiến trúc đình

Mặt đình nhìn qua bình phong ra hồ bán nguyệt ở phía tây nam. Nghi môn mở về phía đông nam, gồm 4 trụ biểu, trên đỉnh có đắp 4 hình chim phượng chụm cánh, bên dưới là đấu vuông đắp mặt hổ phù và trụ lồng đèn đắp tứ linh trên bối cảnh 4 mùa. Thân trụ ghi các câu đối ca ngợi công đức của thành hoàng, còn đế trụ xây thắt cổ bồng. Hai bên cổng chính là tượng cặp hộ pháp đứng gác hai cổng phụ xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đắp giả ngói ống.

Sau cổng là sân đình, cuối sân có nhà hữu vu ở bên phải toà đại bái. Nhà hữu vu gồm 3 gian nhỏ tường hồi bít đốc. Ngôi đình chính có mặt bằng hình “chữ Công”. Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái, cửa bức bàn ván bưng, tường hồi bít đốc. Đình làm kiểu 4 mái với các đao cong, lợp ngói mũi hài, hai đầu bờ nóc có đầu rồng, ở giữa đắp hình lưỡng long triều nguyệt.

Hông đình Phúc Thụy. Photo NCCông ©2019

Sau đại bái là ống muống nằm dọc gồm 3 gian hẹp, nối từ gian giữa đại bái và tạo nên một hành lang kéo sang hậu cung, xưa không xây tường để thông thoáng, nay bịt lại trổ 4 cửa sổ. Toà hậu cung gồm 3 gian xây tường hồi bít đốc, nóc bó đinh, nối với ống muống bằng hệ thống khung vì, mở một cửa chính rộng và hai cửa bên nhỏ hẹp. Các mái trong cũng đều lợp ngói mũi hài.

Kiến trúc đền

Đền Phúc Thụy được đại trùng tu vào thời nhà Nguyễn. Đền cũng có mặt bằng hình “chữ Công” với tòa đại bái, ống muống và toà hậu cung. Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái, bờ nóc có đắp hình hai con rồng chầu mặt trời. Bức cuốn thư treo ngang trên gian giữa được sơn đen và đề 3 chữ Hán “Minh tại thần”, trong dòng lạc khoản có ghi niên hiệu Bảo Đại.

Đại đình Phúc Thụy. Photo NCCông ©2019

Tại ống muống có đặt 3 bộ long ngai thờ 3 vị tướng thân cận của Lữ Gia. Hậu cung gồm 3 gian với 2 mái chảy lợp ngói ta, tường hồi bít đốc, vì kèo đơn giản, trên kìm nóc là đấu đẳng. Bên trong đặt bài vị Lữ Gia với hàng chữ Hán “Trung thiên quý hiển đại vương”. Phía trước là một hòm gỗ sơn son thếp vàng, chạm hoa chanh và rồng chầu mặt nguyệt, bên trong đựng sắc phong của các triều đại và văn tế thần.

Di tích lân cận

721 Phuc Thuy community hall and temple ©NCCong 2016-2021