705 Sô pagoda

Chùa Sổ (Ước Lễ)

huyện Thanh Oaisông Nhuệđạo quán

Chùa làng Sổ vốn là một quán đạo Giáo, được xây lại năm 1527. Tên chữ: Hội Linh Quán. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: thôn Ước Lễ, RR98+MG, Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 30km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Gần cột mốc Km8+500 (xe 06e), 47 Phố Vác (78, 91, 103a, 103b).

Lược sử

Thôn Ước Lễ có tên Nôm là làng Sổ, nay thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Chùa Sổ xưa kia vốn là quán đạo Giáo tên chữ Hội Linh Quán - một trong những nơi tu luyện của các vị đạo sĩ thuộc phủ Ứng Thiên. Vào thế kỷ XVI, quán Hội Linh được tu sửa thành chùa, dân quen gọi là chùa Sổ.

Trong chùa hiện còn một bia đá cổ, nội dung văn bia cho biết ông Ðào Quang Hoa người xã Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, làm quận công ở trấn Lạng Sơn, cùng vợ là bà Trần Thị Ngọc Lâm mến mộ cảnh vật Ước Lễ, đem của cải trong nhà và quyên góp tiền công đức đứng ra xây lại chùa Sổ, khởi công vào ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1527). Sau đó, ông bà cho xây tam quan, gác chuông, nhà bia, làm 17 pho tượng mới, tô các tượng cũ, đúc chuông và cúng 10 mẫu ruộng cho chùa.

Bia chùa Sổ. Photo ©NCCong 2020

Kiến trúc

Chùa Sổ được đại tu vào năm 1634 dưới thời Lê trung hưng. Sang đến thời Nguyễn, năm Thành Thái 5 (1901), chùa lại sửa tiền đường, dựng thêm hai dãy hành lang và nhà bia, tạo thành tổng thể kiến trúc liên hoàn theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Đầu thế kỷ XXI, nhà chùa lại cho trùng tu nhưng nửa chừng thì bị tạm dừng do vi phạm Luật Di sản Văn hoá. Cho nên hiện nay chùa hầu như bị bỏ hoang, ai vào cũng được.

Chùa nằm cách 200m phía sau cái giếng rồng của thôn Ước Lễ, trên một gò đất cao giữa cánh đồng, xung quanh là lăng mộ chen chúc. Đi qua cổng chùa vào ngõ sẽ thấy một tam quan xây 2 tầng, 8 mái. Một sân rộng dẫn đến toà tiền đường 3 gian 2 dĩ, hai bên là nhà bia, bên trong có đặt 4 tấm bia đá là nguồn tư liệu Hán - Nôm quý giá.

Gác chuông chùa Sổ. Photo ©NCCong 2020

Các toà thiêu hương, thượng điện và hậu đường ít nhiều giữ được vẻ cổ kính. Toà hậu đường có gác chuông khá đồ sộ, bên dưới là những cột gỗ lim đã bạc màu thời gian. Những bức chạm khắc gỗ khá đẹp ở hậu đường dần dần lâm vào tình trạng mục nát. Dưới chân bức tường của toà thượng điện vẫn còn thấy lộ ra nhiều viên gạch quý hiếm nổi rõ hình rồng và những cánh hoa cúc thời Mạc.

Di sản

Trong chùa Sổ từng có thực hành một số nghi thức của đạo Giáo vốn được du nhập vào Giao Châu từ thời Bắc thuộc. Trước đó, người Việt cổ đã có tín ngưỡng bản địa kiểu shamanism, tin rằng nếu mời thầy mo cúng tế, dán hoặc đốt bùa và niệm thần chú sẽ có thể chữa khỏi bệnh tật và trị được tà ma. Do có nhiều điểm tương đồng với nhau nên đạo Giáo đã dễ dàng bắt rễ sâu vào Việt Nam.

Gạch chân tường chùa Sổ. Photo ©NCCong 2020

Thời Bắc thuộc, đạo Giáo chỉ phổ biến trong dân gian, đến thời Việt Nam trở thành nước độc lập, các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần đều coi trọng các đạo sĩ không kém các tăng sư, bên cạnh Tăng quan còn có cả Đạo quan. Từ đời Lê trung hưng, đạo Giáo bắt đầu suy thoái, đạo quán dần trở thành chùa. Bên cạnh tượng các vị tiên thánh của đạo Giáo như Lão quân, Thượng Thanh, Thái Thanh, Ngọc Thanh, v.v.. có thêm các tượng Phật giáo. Tiếp theo đạo Giáo không tồn tại như một tôn giáo nữa nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến lối nghĩ và đời sống xã hội của nhiều người Việt.

Năm 1986, chùa Sổ được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Không xa sông Nhuệ còn có một số cơ sở đạo Giáo khác, ví dụ như Hưng Thánh Quán (thuộc huyện Thường Tín) hoặc Viên Dương Quán và Linh Tiên Quán (huyện Hoài Đức), v.v..

Chính điện chùa Sổ. Photo ©NCCong 2020

Di tích lân cận

705 Sô pagoda ©NCCông 2019-2021

Tập hồ sơ