987 Phuc Lam temple and pagoda

Nghè và chùa Phúc Lâm (Bắc Ninh)

s.Ngũ Huyện KhêKinh Bắct.Lê trung hưng

Chùa Phúc Lâm được xây vào đầu thế kỷ XVIII. Tên chữ: Phúc Lâm Tự. Xếp hạng: Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (2016). Vị trí: 5272+MVX, thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, H. Tiên Du, Bắc Ninh. Cách BĐX Bờ Hồ: 27 km (hướng 1 h)

Địa lý

Đất Phú Lâm xưa kia thuộc tổng Mân Xá, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Năm 1952 xã Phú Lâm được thành lập với 5 thôn: Ân Phú, Giới Tế, Đông Phù, Vĩnh Phục, Tam Tảo, đều tách ra từ huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Năm 1963 xã chuyển về huyện Tiên Sơn, năm 1999 mới chuyển về huyện Tiên Du. Xã có diện tích 12,16 km², dân số năm 2017 là khoảng 17.000 người, mật độ dân số đạt 1.398 người/km². Gần đây có khá đông người từ nơi khác đến thuê trọ để làm việc tại Khu công nghiệp Tiên Sơn và Cụm công nghiệp Phú Lâm.

Thôn Tam Tảo thuộc xã Phú Lâm, nằm cách đền Cổ Loa chừng 18 km. Tương truyền trang Tam Tảo có từ thời Hùng Vương. Trước kia còn có tên Nôm là làng Rừng vì từng bị ngập nước, lau sậy, cây cối mọc um tùm, dân phải dùng thuyền nan đi lại. Về sau đất mới khô dần và ngày nay giao thông rất thuận tiện nhờ có đường tỉnh lộ DT286 chạy qua.

Nghè Phúc Lâm. Photo ©NCCong 2023

Lược sử

Thôn Tam Tảo ở gần sông Ngũ Huyện Khê và có 8 xóm, bao gồm: Hạ Giang, Ấp Vang, Đầu Làng, Gốc Thị, Cầu Mới, Đầu Đình, Giếng Chùa, Miễu. Ngôi làng cổ này có ba công trình kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa của người Việt là: đình Tam Tảo, đền Phụ Quốc, chùa Phúc Lâm.

Chùa được dựng vào đầu thế kỷ XVIII ở phía tây làng Tam Tảo. Cạnh toà tiền đường còn có một ngôi nghè 5 gian 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc tay ngai, có niên đại khoảng 1000 năm, bên trong thờ Đào Đạt và Đào Minh, tướng của An Dương vương Thục Phán.

Ngày 01 tháng 2 năm 2016 UBND tỉnh Bắc Ninh đã công nhận nghè và chùa Phúc Lâm là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Tam quan chùa Phúc Lâm. Photo ©NCCong 2023

Kiến trúc và di vật

Chùa nằm cách đình làng Tam Tảo gần 400 m. Sau đợt trùng tu lớn năm 2009, kiến trúc chùa vẫn giữ phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Khuôn viên khá dài có tường đỏ bao quanh. Khách vào qua ngõ rộng, hai bên có những ngôi tháp mộ và vườn chùa. Tam quan hơi thụt vào trong, xây kiểu cổ diềm chỉ ở mặt trong có chấn song lấy sáng, mặt trước mở ba cửa vòm nhìn về phía tây bắc. Sau tam quan là sân gạch, bên phải sân là ao sen có cây cầu bắc ra giả sơn. Bên trái sân có một giếng tròn to, lầu Quan Âm và ngôi nghè.

Toà tiền đường gồm 7 gian 2 chái, 4 mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao được gắn hình tứ linh và tứ quý... Mặt bằng chùa có hình “chữ Sơn” khá độc đáo, hai bên là hai dãy tả vu và hữu vu đều rộng 5 gian. Phía sau là nhà thờ Tổ rộng 5 gian. Trong sân sau còn có khu nhà Ni và cổng hậu mở ra đường tỉnh lộ DT286.

Chùa Phúc Lâm. Photo ©NCCong 2023

Bên trong chùa Phúc Lâm còn giữ được nhiều cổ vật quý như bộ tượng Tam thế Phật trên thượng điện, bia đá trong gian bên tả tiền đường, cây hương đá và đôi sấu đá ở hai bên bậc dẫn lên thềm chùa.

Di tích lân cận

987 Phuc Lam temple and pagoda (Bac Ninh) ©NCCông 2023