172 Mia pagoda

Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự)

s.Hồngt.Lê trung hưngtx Sơn Tây

Chùa Mía có từ đầu thế kỷ XVII. Tên chữ: Sùng Nghiêm Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 5F69+H2, thôn Đông Sàng, TX Sơn Tây, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 48 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Phố Mía - QL32 (xe 70a, 70b, 92)

Giới thiệu

Từ ô Cầu Giấy của Hà Nội bạn đi về hướng tây theo đường quốc lộ QL32 chừng 40km sẽ tới một nút giao thông với quốc lộ QL21 ở bên trái. Cũng đừng vào trung tâm thị xã Sơn Tây mà tiếp tục bám theo QL32. Đi hơn 4km sẽ thấy một vòng xoay với đường lên cầu Vĩnh Thịnh ở bên phải nhưng bạn vẫn cứ đi thẳng về phía tây bắc gần 1km nữa sẽ đến lối rẽ vào thôn Đông Sàng ở bên trái nơi có ngôi chùa Mía.

Chùa tọa lạc tại một gò đá ong ngay giữa thôn Đông Sàng của xã Đường Lâm, tuy đất không cao nhưng phong thủy rất tốt. Các cụ già kể rằng trong trận lụt kinh hoàng do vỡ đê sông Hồng năm 1945 những ngôi nhà trên đồi đều không bị ngập. Theo đường làng đi gần tới chợ Mía du khách nhìn rõ từ xa tán cây cổ thụ phía trên mái tam quan chùa và cả đỉnh tháp Cửu phẩm Liên hoa. Tháp này được xây vào nửa cuối thế kỷ XX để thờ vọng Xá lợi của đức Phật.

Tam quan chùa Mía. Ảnh NCCong ©2014

Ngay trước tam quan chùa là con đường làng và ngôi chợ Mía. Cổng chùa có bậc lên thềm khá cao. Tầng trên treo một quả chuông đồng nặng 4 tạ, đúc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) đời vua Lê Hiển Tông và một chiếc khánh đồng, đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) dưới thời Nguyễn. Dân làng cho biết mỗi chiều từng tiếng chuông từ đây ngân xa, bay qua sông Hồng sang đến tận đất Phú Thọ...

Tương truyền chùa Mía có từ rất xa xưa, đến đầu thế kỷ XVII thì cũ hỏng và đổ nát. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệu[1] là một phi tần của chúa Trịnh Tráng (1632—1657), người gốc làng Nam Nguyễn thuộc tổng Cam Giá, đã trực tiếp kêu gọi thiện nam tín nữ gần xa góp công góp của để trùng tu ngôi chùa. Về sau, dân trong tổng đã tạc tượng bà đặt vào một khám thờ nhỏ trong chùa và gọi là “bà Chúa Mía”

Tháp và bia chùa Mía. Ảnh NCCong ©2014

Kiến trúc

Tam quan chùa nhìn về hướng đông-nam, đối diện một ngôi đền nhỏ thờ vọng Bố Cái đại vương ở bên kia đường làng. Tầng dưới có cánh cửa hai bên với trang trí hình chữ “Vạn”; cạnh tường đặt hai tấm bia đá. Bia cổ nhất có niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) đời vua Lê Thần Tông, ghi lại việc lập chợ Mía ở trước chùa. Tấm bia kia dựng năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), chép việc sửa lại tiền đường.

Chùa Mía làm theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Du khách từ tam quan đi thẳng theo con ngõ ngắn sẽ đến một cái cổng nhỏ mở vào khoảng sân rộng. Giữa sân có hòn non bộ thay bình phong rồi đến toà tiền đường được xây trên nền cao 7 bậc. Phía trái tiền đường có tấm bia đá lớn ghi niên hiệu Ðức Long 4 (1632), kể lại việc trùng tu chùa vào thời gian đó. Bia cao 1,8m, rộng 1m, đặt trên lưng một con rùa đá được trang trí bằng các nét chạm nổi trau chuốt xen kẽ giữa hình rồng và hoa lá.

Tượng Quan Âm bế con, chùa Mía. Ảnh NCCong ©2014

Tòa tiền đường rộng 7 gian 2 chái rất thoáng đãng. Toà trung đường cũng rộng 7 gian nhưng nối với thiêu hương và hậu cung giật cấp, tạo chiều cao và chiều sâu thâm nghiêm. Cả hai tòa được xây song song theo hình chữ “Nhị”, chỉ cách nhau một chút để lấy ánh sáng tự nhiên cho các bức tượng ở hai bên và trên Phật điện. Phía sau hai pho tượng Hộ Pháp to lớn có cửa ngách dẫn ra hành lang tả hữu rồi thông xuống hậu đường.

Các toà nhà chùa Mía sử dụng nhiều cột gỗ to và cửa bức bàn, đặc trưng cho kiến trúc của thế kỷ XVII. Các vì kèo cũng được làm bằng gỗ, chạm khắc rất công phu hình hoa lá và tứ linh (long, ly, quy, phượng)…. Dáng dấp ngôi chùa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời cuối Lê đầu Nguyễn. Trải qua hơn bốn trăm năm ngôi chùa đã được tu tạo nhiều lần, lần sửa lớn cuối cùng được thực hiện vào đầu thiên niên kỷ thứ ba.

Tượng ở trung đường chùa Mía. Ảnh NCCong ©2014

Di vật

Ngoài các bia đá, quả chuông đồng và chiếc khánh đồng đã nói ở trên, trong chùa Mía còn lưu giữ nhiều hiện vật khác có giá trị nghệ thuật và lịch sử. Hệ thống tượng Phật trong chùa Mía phong phú về số lượng, đặc sắc về hình dáng và biểu tượng. Chùa có đến 287 pho tượng gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất, tất cả đều thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân đúc, tạc hoặc đắp tượng vào thời xưa.

Trên thượng điện có bức tượng Thích Ca nhập Niết Bàn tạo dáng đức Phật về cõi hư vô trong sự thanh thản trong sáng. Tượng Di Lặc tô màu sáng thể hiện một vị Bồ Tát tốt bụng và lạc quan. Tượng Tuyết Sơn (cao 0,76m) ở hậu đường mô tả giai đoạn đức Phật gầy trơ xương vì đói khổ tột cùng đang đăm chiêu tìm nguồn gốc của mọi nỗi bất hạnh.

Tượng Kim Cương chùa Mía. Ảnh NCCong ©2014

Đáng chú ý còn có bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát vóc dáng thon thả với 12 cánh tay đan lồng vào nhau như đang múa nhịp nhàng. Tám pho tượng Kim Cương cao lớn được làm bằng đất luyện, mỗi pho thể hiện một vị tướng trong tư thế diễn võ với hình khối, bố cục và nét mặt khác nhau v.v..

Trong một động đá ở hậu đường chùa Mía có pho tượng Quan Âm tống tử cao 0,76 m trông rất sống động, được dân gian gọi là tượng Quan Âm Thị Kính bồng con. 18 bức tượng La Hán bày dọc hai dãy hành lang cũng có dáng vẻ đời thường hơn là tu hành, in rất rõ phong cách nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam.

Phật điện chùa Mía. Ảnh NCCong ©2014

Chùa Mía là ngôi chùa cổ có nhiều tượng nhất và một trong những danh lam hàng đầu của Việt Nam. Năm 1964 ngôi chùa đã được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

Tượng Tuyết Sơn chùa Mía. Ảnh NCCong ©2014

CHÚ THÍCH
[1] Có sách ghi là Ngọc Dong hoặc Ngọc Dao. Theo tấm bia khắc năm Đức Long thứ 6 (1634) dựng ở đây, chùa Mía được trùng tu năm 1632 do công của các cung tần phủ chúa là Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Nguyễn Thị Ngọc Thạch và phu nhân Ngô Thị Ngọc Loan.

172 Mia pagoda ©NCCông 2014

Tập hồ sơ