183 Nguyet Ang - Village of confucianist doctors

Làng khoa bảng Nguyệt Áng

làngsông Nhuệhuyện Thanh Trì

Làng Nguyệt Áng có nhiều di tích văn hoá. Văn chỉ lập năm 1667 ghi tên 11 người đỗ đại khoa. Đình thờ Công Ba đại vương - em của vua Hùng thứ nhất. Vị trí đình: WR5C+49 xã Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 18km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: UBND xã Đại Áng (xe 12).

Lược sử

Thôn Nguyệt Áng có tên Nôm là làng Nguyệt, nằm gần khúc sông Nhuệ thông với sông Tô Lịch bao quanh xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Đình làng thờ thành hoàng Công Ba đại vương, theo thần phả là em thứ ba của vua Hùng đầu tiên và người có công lớn giúp dân mở mang đồng ruộng. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào 2 dịp chính: 12 tháng 2 (ngày hoá của thần) và 15 tháng 5 là ngày kỳ phúc. Theo lệ thì trong dịp hội tháng 2 có lễ rước bánh dày.

Theo truyền thuyết thời Hùng Vương, hoàng tử Lang Liêu đã dâng lên vua cha bánh chưng hình vuông màu xanh tượng trưng cho mặt đất và bánh dày hình tròn màu trắng tượng trưng cho bầu trời. Cả hai thường được cúng vào dịp Tết Nguyên Đán và Giổ tổ. Bánh dày làm bằng xôi nếp trắng đồ kỹ rồi giã thật mịn, nặn hình tròn dẹt, không nhân hoặc có nhân đậu xanh và sợi dừa.

Cổng làng Nguyệt Áng. Photo ©NCCong 2018

Năm 1993, tại đầu đình làng đã phát hiện được một ngôi mộ với đồ tuỳ táng bên trong là bộ vũ khí bằng đồng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN. Các nhà khảo cổ học cho rừng mộ này thuộc về một quý tộc thời cổ. Từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn, nơi đây nổi danh là làng khoa bảng với 11 người đỗ đại khoa. Lại có 29 hương cống, cử nhân (gồm 17 người họ Nguyễn Đình, 8 người họ Lưu và 4 người họ Nguyễn Danh); còn sinh đồ, tú tài thì rất đông. [1]

Di sản

Ngày nay, thôn Nguyệt Áng vẫn giữ được các di tích đình, chùa và văn chỉ. Văn chỉ ở ngay sau cổng làng, tại đây còn nguyên 2 tấm bia đá cổ dựng năm 1667 và 1876, ghi tên những người đỗ đạt. Văn bia cũng cho biết văn chỉ do trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh cùng em là tiến sĩ Nguyễn Đình Trụ lập vào năm 1667, trước khi ông đi sứ sang Trung Quốc.

Văn chỉ Nguyệt Áng. Photo ©NCCong 2018

Đình Nguyệt Áng nhìn qua sân, cổng, bức bình phong và hồ nước về phía tây nam. Cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ, giáp với đường làng. Tòa tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ nối với hậu cung bằng toà thiêu hương. Nội thất phần nhiều mới được sửa lại. Ngoài mấy tấm bia đá, cổ vật đáng kể nhất là đồ tế khí, lộ bộ, những bức hoành phi và câu đối chữ Hán.

Ban đầu, đình quay hướng bắc về phía làng Vĩnh Trung. Trong niên hiệu Đức Long (1629-1634) đình được sửa chữa lại. Rồi đến niên hiệu Vĩnh Thọ (1658-1661), đình được lợp ngói, đổi hướng nhìn về làng Siêu Quần ở phía tây bắc. Hướng đình cũng như qui mô kiến trúc hiện nay được giữ nguyên kể từ lần sửa chữa vào tháng tư năm Canh Tý niên hiệu Thành Thái (1900). Cũng theo văn bia hiện còn lưu trong đình thì người tổ chức trùng tu là Phụ chính đại thần Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), con rể cụ Lưu Quĩ.

Chùa Thanh Bảo. Photo ©NCCong 2018

Chùa Thanh Bảo tọa lạc ngay bên tả đình trong một khuôn viên rộng. Không rõ chùa được lập năm nào, dáng vẻ hiện nay định hình từ lần xây lại dưới đời vua Bảo Đại. Văn bia đề Tháng giêng năm Nhâm Thân (2-1932) có ghi việc bà Lưu Thị Tín lấy chồng là nghị sĩ, tiên chỉ, cử nhân Lưu Thành, các con trai là tham biện Lưu Chung, lục sĩ Lưu Đạm đứng ra hưng công ngôi chùa. Năm 2017-2018 chùa đã được trùng tu và mở rộng theo kiến trúc truyền thống.

Di tích lân cận

Đình Nguyệt Áng. Photo ©NCCong 2018

Chú thích
[1] Trong đó có Nguyễn Đình Trụ (đỗ năm 1656), anh ruột Nguyễn Quốc Trinh (trạng nguyên, 1659) và hai con Nguyễn Đình Bách (1683), Nguyễn Đình Úc (thám hoa, 1700) cùng cháu tằng tôn của Nguyễn Quốc Trinh là Nguyễn Đình Quỹ (1715). Ngoài ra còn 3 người họ Lưu, gồm Lưu Tiệp (1772) và em ruột Lưu Định (1775) cùng cháu nội Lưu Quỹ (1835). Cụ Nguyễn Quốc Trinh (1625-1674) từng dẫn đầu đoàn sứ bộ năm 1667 sang đàm phán thành công với nhà Thanh cho gộp hai kỳ tiến cống (3 năm một kỳ) làm một. Sau cụ làm đến chức Thị lang bộ Hình, bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Lại. Khi mất được chúa Trịnh Tạc truy tặng Binh bộ thượng thư, tước Quận công. Cụ Nguyễn Đình Trụ (1627-1703) về hưu mở trường dạy học, có tới hàng nghìn học trò, hơn 70 người sau đó đỗ tiến sĩ và hương cống. Giám sát ngự sử Lưu Quỹ (1811-?) từng vì can ngăn vua mà bị giáng chức. Tháng 2 năm Tân Sửu (1841), Thiệu Trị lên ngôi, cụ đã cùng Nguyễn Bỉnh Đức dâng sớ khuyên vua lưu ý đến 10 điều sách lược trị nước.

183 Nguyet Ang village ©NCCông 2014-2018