990 Co Phap pagoda

Chùa Cổ Pháp

古法寺

Kinh Bắcs.Đuốngt.Lý

Chùa Cổ Pháp tức chùa Tương Giang, tương truyền có từ thế kỷ thứ VIII như một Tổ đình của Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Tên chữ: Cổ Pháp tự (古法寺). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962). Vị trí: 4X37+P5W, phố Đại Đình, phường Tân Hồng, thị trấn Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cách BĐX Bờ Hồ: 17km (hướng 1h)

Địa lý

Hương Diên Uẩn có tên nôm là làng Nuốn, đến thời Lý gọi là Cổ Lãm rồi đổi là thôn Đại Đình (tức Đình Sấm, Dương Lôi); sau thuộc huyện Đông Ngàn rồi đổi là huyện Từ Sơn. Vùng này có chùa Tiêu (xã Tương Giang, tên cũ là Dịch Bảng) và dòng Tiêu Tương nổi tiếng qua câu chuyện tình của công chúa Mỵ Nương với chàng Trương Chi thổi sáo, lại có núi Đại Sơn, sông Đuống, suối Tào Khê và chùa Dận (Đình Bảng) gắn với lịch sử.

Hương Cổ Pháp là nơi phát tích của triều Lý và gắn với các vị sư tổ Định Không, Thông Thiện, La Quý, Thiền Ông, Vạn Hạnh, Khánh Văn.... Các học giả chưa rõ vua Lý Thái Tổ (974-1028) sinh ra và lớn lên ở chùa Cổ Pháp hay ở chùa Dận. Sử thì viết rằng mẹ vua làm sãi ở chùa Tiêu nơi sư Vạn Hạnh trụ trì, bà chuyển dạ ở chùa Dận, cố về đến làng để sinh. Lý Công Uẩn lớn lên được sư Vạn Hạnh giao cho sư Khánh Văn (trụ trì chùa Cổ Pháp) nuôi dạy.

Lược sử

Ngày 28-4-1962 chùa Cổ Pháp được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Tương truyền vào thời Đường niên hiệu Trinh Nguyên (785-805), tổ thứ 8 của phái Tì Ni Đa Lưu Chi là sư Định Không khởi dựng chùa Quỳnh Lâm, đào móng tìm được 1 bình hương và 10 chiếc khánh đồng, sai người đi rửa thì một khánh rơi xuống sông, trôi mãi đến khi chạm đất mới nằm im. Sư nói rằng: Thập khẩu là 10 cái miệng, chữ Thập 十 đặt trên chữ Khẩu 口 thành chữ Cổ 古 (nghĩa là xưa cũ). Thủy khứ là đi xuống nước, chữ Thủy 氵đặt cạnh chữ Khứ 去 là chữ Pháp 法. Chữ Thập đặt trên chữ Nhất 一 thành chữ Thổ 土 (đất), nghĩa là 10 miếng có một trở về với đất và trôi về phía làng Nuốn nên đổi tên Diên Uẩn thành Cổ Pháp.

Năm 808, trước khi mất, sư Định Không dặn đệ tử Thông Thiện: “Cổ Pháp có khí đế vương, sau này dễ bị kẻ xấu đến phá, cần phải giữ gìn cẩn thận để chân nhân có thể xuất hiện cứu nước và hưng thịnh Phật Pháp”.


Rồi Thông Thiện cũng trăn trối cho đệ tử La Quý (852-936) như vậy. Khi Cao Biền (821-887) đắp thành Đại La đào 19 cái ao, La Quý nghĩ Biền muốn cắt long mạch Cổ Pháp. Sư bèn cho lấp ao, đúc tượng Lục Tổ Huệ Năng (638-713) bằng vàng và trồng cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn yểm. Sau sét đánh lên cây gạo và tạo ra bài Sấm:
Thụ căn diểu diểu - Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc - Thập bát tử thành
Đông a nhập địa - Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật - Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian - Thiên hạ thái bình.

Sư tổ thứ 12 là Vạn Hạnh (938 – 1018) giải nghĩa: Thụ căn (gốc); Diểu đồng âm với Yểu tức là vua chết sớm. Biểu là ngọn (bầy tôi), Thanh đồng âm với Thịnh, nghĩa là bầy tôi lên thay. Hòa Đao Mộc ghép lại là Lê, chữ Lạc là rơi, tức là nhà Tiền Lê đổ. Thập Bát 十 八 ghép thành chữ Mộc 木, đặt lên chữ Tử 子 thành chữ Lý 李 nghĩa là họ Lý làm vua, v.v..


Do sét đánh gãy cây gạo nên Cổ Pháp sau này gọi là Đình Sấm. Truyền thuyết và sử sách đều nói mẹ Lý Công Uẩn là bà Phạm Thị vốn người làng Đình Sấm, được thờ ở chùa Cha Lư và đền Lý Thánh Mẫu (đền Miễu), sau được thờ như thành hoàng cùng 8 vị vua nhà Lý ở đình Dương Lôi, gần đó hiện còn cả di tích mộ cha mẹ của bà ở cánh đồng Miễu.

Kiến trúc

Chùa Cổ Pháp bị đốt phá năm 1952 rồi được phục dựng năm 1998 trên diện tích khoảng 5600m2. Chùa nhìn về phía tây nam ra phố Đại Đình và đường Lý Thái Tổ, cách đó chừng 300m về phía tây Lý Thái Tổ, cách đó chừng 300m về phía bắc là đền Đô. Trước cổng tam quan có giếng to, bên cạnh có giếng nhỏ tương truyền là nơi tắm của Lý Công Uẩn khi còn bé. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, 8 mái kết nối với 3 gian thượng điện thành hình “chữ Đinh”. Nhà Tổ ở phía sau được phục dựng năm 2010 theo hình “chữ Nhị” gồm 5 gian tiền bái và 5 gian thờ Phật tổ, Tổ Tây Trúc, Tổ Tăng Việt, Tổ Tì Ni Đa Lưu Chi và Tổ Ni. Bên hữu chùa, phía trước là vườn tháp Phật và các tháp Tổ; phía sau là nhà thờ Mẫu.

Di vật

Tượng Phật cổ gồm 13 pho, còn lại là tượng mới. Phía sau Tam bảo có tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao chừng 3 m, tượng Quan Âm ở ngoài trời, tượng tiểu cảnh Lục Tổ Huệ Năng giã gạo và tượng bà Phạm Thị... Lại có một chuông lớn khắc tên và lịch sử chùa Cổ Pháp, bị mất vào thời Tây Sơn rồi được đúc lại năm Nhâm Dần (1842); một tấm bia hình trụ vuông, trán đề “Cổ Pháp tự trùng tu bi ký”, và một tấm bia khác ở phía trên có hình Phật chạm nổi, chữ Hán khắc ở hai bia đều đã mờ.

Di tích lân cận

990 Co Phap pagoda ©NCCông 2023