186 La Khe pagoda

Chùa La Khê (Diên Khánh Tự)

t.Lê trung hưngq.Hà Đôngs.Nhuệ

Chùa làng La Khê tương truyền có từ thời Lý. Tên chữ: Diên Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: XQ96+PG, phố Phan Đình Giót, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tọa độ: 20°57´54”N, 105°45´51”E. Cách BĐX Bờ Hồ: 15km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Đd Nam Cường Building (xe BRT, 19, 22c), 314 Quang Trung (01, 02, 19, 21a, 27, 33, 37, 57, 62, 78, 89, 105)

Lược sử

Tương truyền chùa làng La Khê được xây dựng từ thời Lý, tên chữ Diên Khánh Tự nghĩa là phúc lộc lâu dài. Các tư liệu lịch sử cho biết ngôi chùa đã được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. Đặc biệt dưới thời Nguyễn từng có một đợt đại trùng tu vào năm Thiệu Trị thứ 5 (Ất Tỵ 1845).

Cổng chùa Diên Khánh. Photo ©NCCong 2014

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1947-1954 chùa Diên Khánh từng là cơ sở cách mạng và bị phá hủy một phần nhưng nhân dân sở tại và công đức thập phương đã giúp phục dựng nhanh chóng.

Chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo quyết định số 100 ngày 21-01-1989 (Kỷ Tỵ). Năm 2009 (Kỷ Sửu), ngôi chùa được quy hoạch và tôn tạo khang trang trong một quần thể di tích cùng với đình làng La Khê và đền Bia Bà.

Sân chùa Diên Khánh. Photo ©NCCong 2014

Kiến trúc

Dáng dấp ngôi chùa Diên Khánh hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn. Mặt chùa nhìn về hướng nam. Từ ngoài vào trong bao gồm đầy đủ các hạng mục chính của một thiền viện tiêu biểu ở vùng đồng bằng miền Bắc như tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hành lang và hậu đường.

Du khách đến thăm chùa và đình làng La Khê thoạt tiên đi vào con ngõ chung, men theo môt nguyệt hồ có lan can bao quanh và các tượng linh thú tạc bằng đá xanh. Cổng chùa Diên Khánh nằm song song với tòa phương đình của ngôi đình. Tam quan chùa chia ba gian, xây tường hồi bít đốc, hai tầng bốn mái, bên trên có gác chuông như kiểu tam quan của chùa Láng và chùa Kiến Sơ (Phù Đổng).

Phật điện chùa Diên Khánh. Photo ©NCCong 2014

Sau cổng chùa có môt sân rộng lát gạch đỏ với hòn non bộ làm bình phong che chắn. Mới được dựng gần đây trên một bệ đá khá cao ở bên trái sân là pho tượng Quan Âm Nam Hải trắng muốt khoác áo choàng xanh. Bước lên bậc thềm rồng đá, du khách cởi bỏ giầy dép bên ngoài các cửa bức bàn trước khi vào bái Phật trong tòa tam bảo.

Tiền đường rộng 7 gian, xây hai tầng tám mái, có kiến trúc kiểu chồng rường con nhị, kết nối với tòa thiêu hương và thượng điện theo hình chữ “Công”. Hai bên chính điện có các gian thờ tượng Đức Ông và Thánh Hiền. Hai pho tượng Hộ pháp Trừng ác và Khuyến thiện đứng gác lối vào tòa thiêu hương.

Phật điện gồm nhiều lớp cửa võng, hoành phi, câu đối thiếp vàng và trên các bậc lát gỗ quý có bài trí đầy đủ hệ thống tượng Phật giáo theo hệ phái Bắc tông. Chếch mé bên trái sau tiền đường là một gian nhà rộng gần 30m2 với điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu quay mặt về hướng tây, áp lưng vào thượng điện.

Tiếp theo, ở bên trái điện Mẫu và bên phải cổng đền Bia Bà lại có một sân gạch khác dẫn du khách đến thềm nhà Tăng và hậu đường. Hậu đường rộng 5 gian, bên ngoài cũng có hàng cột đá và các cửa bức bàn bằng gỗ đẹp. Bên trong là 3 ban thờ Tổ, ở gian giữa có điện thờ Đạt Ma Sư Tổ với pho tượng lớn nhất hậu đường.

Hậu đường chùa Diên Khánh. Photo ©NCCong 2014

Di vật

Hiện nay trong chùa Diên Khánh vẫn giữ được nhiều di vật có gíá trị lịch sử nghệ thuật, nhất là các tác phẩm điêu khắc từ thời Trần, Lê. Riêng tại chính điện, đáng chú ý là pho tượng Phật A Di Đà tạo tác bằng gỗ phát quang, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tọa sơn thị giải làm bằng gỗ sơn đen và toà Cửu Long thiếp vàng. Đặc biệt có tượng Đức giáo chủ bổn sư tạc bằng đá khối, một tác phẩm có giá trị cao, tương truyền được tạc từ thời Lý. Pho tượng này kế thừa phong cách nghệ thuật Gandara (Gandhãra) của Ấn Độ thời cổ trung đại và được nhiều chuyên gia xếp hạng thứ 2, chỉ sau một tác phẩm tương tự đặt ở Kinh Bắc.

Ngoài ra trong chùa còn có cụm bia đá khắc từ thời Lê và một quả chuông đồng được đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 dưới triều Tây Sơn cùng với bài minh soạn bởi tiến sĩ Ngô Trọng Khuê, từng giữ chức thượng thư thời Lê-Trịnh.

Di tích lân cận

©NCCông 2014, La Khe (Dien Khanh) pagoda