720 Huong Nghia temple and community hall

Đền, đình Hương Nghĩa

q.Hoàn KiếmCao Lỗ, Cao Tứs.Tô Lịch

Đền, đình Hương Nghĩa có từ thời Lê. Thờ: Cao Tứ (em Cao Lỗ) và phu nhân là Phượng Minh công chúa. Lễ hội: 10 tháng Giêng âl. Vị trí: số 13 phố Đào Duy Từ, 2VP2+RX, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 2,2km (hướng 1h). Trạm bus lân cận: 81 Trần Nhật Duật (xe 03a, 10b, 11, 14, 18, 22a, 23, 34, 86, 86ct, 98, 100), 373 Hồng Hà (03a, 10b, 11, 34, 65, 98, 100)

Lược sử

Đền, đình Hương Nghĩa thờ Cao Tứ đại vương và Phượng Minh công chúa. Theo thần phả, Cao Tứ là em Cao Lỗ người làm ra nỏ thần giúp vua An Dương Vương. Cao Tứ sinh ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Hợi đời vua Hùng thứ 18, lớn lên được vua phong chức “Thuỷ đạo tướng quân” và tin yêu gả cho con gái là công chúa Phượng Minh. Cao Tứ từng lập căn cứ ở Hương Bài, chỉ huy thuỷ quân chiến thắng quân Tần đến xâm lược.

Khi Triệu Đà cho quân Nam Việt xâm phạm Âu Lạc, Cao Lỗ và Cao Tứ đã chống cự trong nhiều năm trời. Triệu Đà xin hoà hiếu để cho Trọng Thuỷ làm con rể An Dương Vương rồi đánh cắp nỏ thần đem về, sau đó lại đem quân sang đánh nước ta. Cao Tứ dàn thuyền chống lại quyết liệt và tử trận trên sông Tô Lịch (khúc sông này thuộc đất cũ thôn Hương Bài, khi Hương Bài sáp nhập với thôn Kiên Nghĩa đã đổi thành Hương Nghĩa). Công chúa Phượng Minh sau khi biết tin đã tự trẫm mình ở sông Bắc Giang để giữ trọn khí tiết với chồng.

Đền Hương Nghĩa. Photo ©NCCong 2014

Về sau dân làng Hương Nghĩa lập đền thờ phụng hai ông bà. Tấm bia dựng tại đây năm 1943 ghi: “...Công đức, mưu lược tài năng của thần Cao Tứ được các Hoàng đế phong mỹ tự, muôn dân tôn sùng. Thời gian gần đây, đình bị đổ nát nên đại thần toàn quyền Pháp cho phép tu sửa để việc thờ cúng được tinh khiết. Nên toàn dân cùng cựu kỳ mục bản đình là Lưu Văn Năm chánh hội Tân Đinh Nhi triệu tập mọi người góp sức trùng tu đền to đẹp làm sáng tỏ những điều tốt đẹp từ thời Hùng Vương để nơi đây lại được linh thiêng, muôn dân chiêm ngưỡng, hương hoả mãi mãi, làm cho quốc gia được hưng thịnh...”.

Đền, đình Hương Nghĩa hiện nay toạ lạc ở số 13 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đó chính là bờ phía bắc của cửa sông Tô Lịch cũ đã bị thực dân Pháp lấp đi để mở các phố mới.

Trong đền Hương Nghĩa. Photo ©NCCong 2014

Kiến trúc

Cổng đền xây kiểu hai tầng tám mái, bên trên đắp 3 chữ Hán “Hương Nghĩa Từ” (Đền Hương Nghĩa), nhìn ra ngã phố Đào Duy Từ - Chợ Gạo. Sau cổng là lối đi nhỏ dẫn vào một sân hẹp. Đền gồm 2 toà tiền tế và hậu cung, kết nối thành hình chữ “Đinh”.

Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Khung gỗ gồm 6 bộ vì được kết cấu theo kiểu chồng rường con nhị. Trên thân các con rường và trụ trốn đều được chạm khắc nổi hình hoa lá cách điệu, ôm sát vào vì nóc. Gian giữa tiền tế gồm các cửa bức bàn, phía trên được chạm thủng hình hoa cúc mãn khai. Hậu cung là một nếp nhà dọc ba gian nối với gian giữa tiền tế qua hệ thống máng che phần mái. Bộ khung đỡ mái có 3 vì gỗ kiểu vì kèo quá giang, bào trơn đóng bén.

Trong đền Hương Nghĩa. Photo NCCong ©2020

Di sản

Hiện nay nhà đền chủ yếu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đền bảo lưu được một số cổ vật có giá trị bao gồm: 01 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán, 01 đạo sắc phong ghi niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783), 01 sắc ghi niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1801), 04 tấm bia đá thời Nguyễn, đáng chú ý là tấm bia “Hậu thần bi ký” tạo tác ngày tốt năm Nhâm Thân niên hiệu Bảo Đại 7 (1932) và “Hương Nghĩa đình công đức bi” được dựng vào tháng 10 năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại 18 (1943).

Lại có đôi câu đối:
“Duyệt ngã Nam tiền thông giám di biên thuỷ hoá cổ trung tiêu tiết nghĩa
Kiến La Thành tam danh từ trĩ lập địa linh thánh tích đối linh hương”.

(Đọc sử Nam, sách thông giám còn ghi, nước lắng hồn xưa soi tiết nghĩa
Dựng thành La, ba đền đài vẫn đó, đất thiêng thánh tích đượm hương thơm).

Trong đền Hương Nghĩa. Photo NCCong ©2020

Ngoài ra còn có 02 pho tượng cổ đặt trong khám thờ tạc hình Cao Tứ và Phượng Minh công chúa; 09 khám thờ, 04 ngai thờ, 02 bài vị, 06 câu đối, 05 bức hoành phi, tất cả đều bằng gỗ.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2014, Huong Nghia temple and community hall