972 Mat Son pagoda

Chùa Mật Sơn (Đại Bi Tự)

Thanh Hoáthời Lê trung hưngsông Mã

Chùa Mật Sơn có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: Đại Bi Tự. Xếp hạng: Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh. Vị trí: QQRF+R89, đường Mật Sơn, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hoá. Toạ độ: 19°47’31"N 105°46’24"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 154km (hướng 6h)

Địa lý

Chùa Mật Sơn xưa thuộc làng Mật, xã Bố Vệ, tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn, nay thuộc phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Tên chùa là Đại Bi Tự, còn gọi là chùa Mật do nằm dưới chân núi Kỳ Lân có tên Nôm là núi Mật. Phía sau chùa có hang đá và mỏm núi nhô lên như hình cô gái nên gọi là hòn Ngọc Nữ. Nhiều danh nhân như các vua Lê Thánh Tông, Lê Thế Tông và thi sĩ Nguyễn Khuyến đến thăm nơi đây đã từng vịnh cảnh đề thơ và khắc trên vách đá.

Trong hang có bàn cờ tiên và tấm bia đã mờ. Theo học giả H. Le Breton, bia đề niên hiệu Quang Hưng thứ 21 triều vua Lê Thế Tông (1573 – 1599). Phía trước chùa có kênh Vi, nay gọi là sông nhà Lê. Xa hơn có kênh Bố Vệ, thời Trần còn là cửa biển và nơi bố trí phòng vệ của tướng Trần Kiện chặn đường quân Nguyên do Toa Đô từ Chiêm Thành kéo ra hợp với đội quân của Ô Mã Nhi ở sông Bạch Đằng. Xưa kia trên kênh Bố Vệ có cây cầu gỗ lợp mái ngói, còn gọi là cầu Bố (cầu Cha).

Chùa Mật Sơn. Photo ©NCCông 2022

Bố Vệ là quê của 2 hoàng thái hậu: Nguyễn Thị Ngọc Anh (mẹ vua Lê Hiến Tông) và Nguyễn Thị Ngọc Diễm (mẹ vua Lê Thế Tông). Vua Lê Anh Tông cũng từng sống ở Bố Vệ, đây là nơi đặt lăng mộ của ngài, vua Lê Kính Tông, hoàng thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh và thần nữ Lê Thị Ngọc Đường... Thời Nguyễn còn lập nghĩa địa Đồng Châu ở đây để chôn cất người hoàng tộc từ Huế ra Thanh Hóa làm quan. Năm 1805 vua Gia Long đưa 28 bài vị ở Thái miếu Lam Kinh và Thái miếu Thăng Long bị tàn phá về lập Thái miếu nhà Lê ở Bố Vệ...

Lược sử

Sách “Từ điển di tích Việt Nam” ghi: Chùa dựng năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (1671), xây toàn bằng đá, có gác treo quả chuông đúc năm 1679. Gác chuông này xưa vốn ở sau chùa, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) gác bị bão đổ, khi dựng lại mới đổi ra phía trước. Trong chùa có tượng Phật A Di Đà cao gần 3m, tượng Hộ pháp cao 2,3m, tượng vua Lê Thần Tông, tượng Đoan Từ Thuần Mỹ hoàng thái hậu, tượng Y Đức Phong Mỹ hoàng thái hậu và bốn phi tần.

Tượng cung phi Nguyễn Thị Ngọc Tấn

Sách “Đại Nam nhất thống chí” biên soạn năm Tự Đức thứ 18 (1865) cho biết chùa Đại Bi còn gọi là chùa Mật Sơn, ở núi Ngọc Nữ, thôn Mật Sơn, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn và trông ra kênh Vi. Khi vua Lê Thần Tông lên núi chơi đã sai dựng chùa và tạc chân dung vua để dân sở tại thờ.

Hai cuốn sách trên đều ghi chùa Đại Bi được xây dựng vào cuối đời vua Lê Huyền Tông (1663 – 1671) theo thác mệnh di lời của cha. Tư liệu để xác định chính xác ngày khởi dựng có lẽ đã bị hủy hoại do thời gian hoặc chiến tranh. Năm 2008 chùa được xây lại, mặt nhìn về phía đông nam. Sân chùa đặt nhiều hiện vật bằng đá như: khánh, bia, voi, ngựa, nghê. Tam quan làm kiểu chồng diêm ba tầng mái cong, phía trên cùng treo chuông đồng nặng hai tạ. Toà tiền đường và hậu cung thông với nhà Tổ, nhà Tăng, tiếp theo vườn hoa là phủ Thánh Mẫu.

Chùa Đại Bi và núi Kỳ Lân đã được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá xếp hạng là cụm Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh.

Tượng Minh Thục Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Bạch

Kiến trúc

Theo lời kể của các vị cao niên và căn cứ nền móng cũ còn lại, trước đây chùa Đại Bi có quy mô rất lớn. Dọc đường vào Phật điện là hai dãy tả hữu vu, trong chùa có rất nhiều tác phẩm điêu khắc của thế kỷ XVII. Không may phần lớn các tượng đã bị thất lạc, trừ tượng vua Lê Thần Tông và các bà hoàng phi được gửi sang khu Thái Miếu nhà Lê ở Đông Vệ (TP Thanh Hoá), về sau trả lại. Dấu tích chùa cũ là giếng Tiên rất to ở dưới chân núi Mật. Thành giếng được làm bằng đá phiến ghè đẽo công phu theo độ cong của giếng; sân giếng, đáy giếng được lát bằng những tảng đá có chạm nổi hình tôm, cua, cá; tất cả đều được xây bằng đá núi Nhồi.

Đến thập kỷ 2020 chùa tiếp tục được tôn tạo với bố cục hình "chữ Công" đồ sộ, xung quanh có hành lang bằng đá. Tiền đường gồm 7 gian, thiêu hương 3 gian và thượng điện 5 gian, bên trong đặt những pho tượng lớn mạ vàng sáng choang. Sân chùa rộng rãi, lát đá, bày nhiều bồn hoa, cây cảnh, non bộ và xung quanh là các cổ thụ. Đầu sân gần đình làng có xây thêm lầu Quan Âm theo kiểu hai tầng tám mái.

Tượng Đoan Thuần Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, tương truyền là người Chăm

Di vật

Lớp cao nhất trong Phật điện đặt ba pho Tam Thế. Lớp thứ hai là tượng Quán Thế Âm. Lớp thứ ba chia làm hai, bên phải là tượng Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, bên trái là tượng vua Lê Thần Tông đặt cao, phía dưới mặt thấp hơn là tượng sáu hoàng phi mặc quốc phục mang sắc phục 6 dân tộc khác nhau: Kinh – Thái – Mường – Hoa – Lào – Hà Lan. Chỉ có một pho ngự trên tòa sen hai lớp cánh, các pho khác đội vương miện trong tư thế toạ Thiền. Đây là những tượng gỗ mít phủ sơn, mang phong cách tả thực của thế kỷ XVII, có lẽ được làm sau khi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (thân mẫu của vua Lê Huyền Tông) qua đời.

Tượng vua Lê Thần Tông có khuôn mặt trái xoan, đôn hậu nhưng cương nghị, để râu, da ngăm ngăm đen. Ngài đội mũ bình thiên, mặc áo thiết triều không có đai vàng, hai tay nắm vòng trước bụng che khuất bởi hai ống tay áo rộng. Tượng ở tư thế tọa Thiền ngồi trên bệ cao với ba lớp cánh hoa sen được tạc giống ngai vàng của Ngọc hoàng Thượng đế.

Tượng vua Lê Thần Tông

Lê Thần Tông lên ngôi năm Kỷ Mùi (1619), đặt tên niên hiệu đầu là Vĩnh Tộ. Ngày 3-11-1643 ngài nhường ngôi cho con là Lê Chân Tông và làm Thái Thượng hoàng. Khi Chân Tông băng hà (1649) ngài quay lại ngai vàng cho đến năm 1662 mới mất ở tuổi 56. Cộng lại ngài có thời gian trị vì 37 năm, chỉ sau Lê Thánh Tông (38 năm). Ngài có 4 hoàng tử đều được làm vua: Chân Tông (1643 – 1649), Huyền Tông (1663 – 1671), Gia Tông (1672 – 1675), Hy Tông (1679 – 1705). Thần thái pho tượng đúng như sách “Đại Việt sử ký tục biên” mô tả: Vua sống mũi cao, mặt rồng thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi.

Tượng 6 bà vợ vua đều cao xấp xỉ người thật, ngồi tọa thiền, đội mũ có hình Phật. Y phục, bàn tay và nét mặt không hề trùng lặp về chi tiết. Phục sức vừa mang tính dân tộc về kiểu dáng, vừa phân biệt thứ bậc khác nhau, 6 mái tóc là 6 cách tết, thắt dải cầu kỳ. Tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc còn nguyên vẹn nhất, nổi tiếng vì đẹp và khắc hoạ chân dung rõ nét, thể hiện tính hiền hòa, thông tuệ, nội tâm nhân hậu. Tác phẩm được chạm khắc vào thế kỷ XVII, từ năm 1965 đem về lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, năm 2013 được công nhận là bảo vật quốc gia.

Tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc

Trịnh Thị Ngọc Trúc là con của Nghị vương Trịnh Tráng và cháu ngoại của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Bà có 4 con với Cường quận công Lê Trụ, ông phạm tội bị giam chết trong tù, bà bị ép nhập cung ở tuổi 36, hơn vua Thần Tông 12 tuổi. Năm 1654 bà được lập làm hoàng hậu.

Trịnh Thị Ngọc Trúc còn được coi là một nhà văn học, ngôn ngữ học và Phật học uyên bác. Bà đã biên soạn sách “Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa” là từ điển song ngữ Hán-Nôm cổ nhất Việt Nam và có tính chất bách khoa thư. Năm 1644 bà và con gái Lê Thị Ngọc Duyên tham gia xây chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, đến năm 1647 mới xong, trở thành một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660) khi tới Thăng Long đã viết như sau: “Bà thông chữ Hán, giỏi về thơ. Chúng tôi gọi bà là Catêrina vì bà giống thánh nữ về nhiệt tâm cũng như về đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ”.

Tượng Chiêu nghi Lê Thị Ngọc Hoàn, tương truyền là người Mường

Ngoài ra trong chùa Mật Sơn còn lưu một tấm bia đá hai mặt, cao 110cm, rộng 65cm, trán hình vòng cung, chạm 6 chữ “Tu tạo Bảo sơn tự bi”. Lại có một bia trụ hình bát giác, cao 145cm, đường kính 42cm, tên là “Cấu tác thụ kính thiên điện hưng công bi” và ghi niên đại Thịnh Đức thứ 5 (1657).

Di tích lân cận

972 Mat Son pagoda ©NCCông 2022