375 Linh Son pagoda

Chùa Thanh Nhàn (Linh Sơn Tự)

quận Hai Bà Trưngthời Lê trung hưngsông Kim Ngưu

Chùa Thanh Nhàn có từ thời Lê. Tên chữ: Linh Sơn Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (2003). Vị trí: ngõ 331 Trần Khát Chân, 2V54+FX, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3,1 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: 342 Trần Khát Chân (xe 18, 44, 142, E03).

Lược sử

Từ xa xưa, cả một vùng đất rộng lớn ở phía đông-nam bên ngoài kinh thành Thăng Long thường xuyên phải hứng chịu nạn lụt lội nhưng giàu phù sa và thuỷ sản. Di tích của vùng trũng hiện nay vẫn còn thấy rất rõ qua một loạt các địa danh như dòng sông Kim Ngưu, hồ Thanh Nhàn, hồ Đồng Nhân (Hương Viên), hồ Quỳnh và mấy hồ ao nhỏ hơn đều ở gần xung quanh.[1]

Lúc đầu nhà cửa thưa thớt, về sau dân tứ chiếng và các tù binh Champa quần cư đã khai hoang cày cấy, lập nên xóm làng trù phú, trong đó có Thanh Nhàn. Một trong Thăng Long tứ quán là Đế Thích Quán tức ngôi chùa Vua, đã được một hoàng thân cho xây từ hồi đó ở trên đất làng Thịnh Yên, rất gần làng Thanh Nhàn. Quán này quả thực đã nổi tiếng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV).

Hiên chùa Thanh Nhàn. Photo ©NCCong 2017

Rồi dân làng Thanh Nhàn ngày một đông nên phải tách ra làm hai thôn: thôn trên và thôn dưới, còn gọi là thôn An Cư và thôn Lạc Nghiệp. Chùa làng Thanh Nhàn tên chữ Linh Sơn Tự. Dân cư vùng Ô Đống Mác (hay Ô Ông Mạc) quen gọi là chùa Linh Sơn Thanh Nhàn, có lẽ để phân biệt với chùa Thanh Nhàn khác nằm ở Ô Chợ Dừa. Lưu ý rằng hai cửa ô này cách nhau gần 5 km và đều ở ven tòa thành đất bên ngoài để bảo vệ mặt nam của kinh đô Thăng Long.

Linh Sơn Tự toạ lạc trên một gò đất mà xưa kia dân làng quen gọi là núi vì xung quanh toàn đầm lầy và ruộng lúa. Không ai biết chùa ra đời chính xác năm nào, tuy nhiên điều chắc chắn là muộn nhất thì cũng phải vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, dưới thời Lê trung hưng. Một trong các bằng chứng xác thực nhất đã tìm thấy ở bài bi ký khắc trên tấm bia đá dựng tại sân chùa, ghi rõ niên đại Cảnh Hưng thứ 20 (1759).

Bia Cảnh Hưng chùa Thanh Nhàn. Photo ©NCCong 2017

Kiến trúc

Cuối thế kỷ XX, hồ Thanh Nhàn đã được cải tạo thành khu vực câu cá, bơi thuyền cạnh vườn cây và sân bóng đá trong một công viên đẹp đẽ. Đáng tiếc rằng từ lâu khuôn viên Linh Sơn Tự đã bị lấn chiếm một phần nên không còn tam quan cũ để leo lên nhìn ra hồ này, mặc dù chỉ cách hơn hai trăm bước. Nhà chùa phải mở cổng ngách ra ngõ 331 Trần Khát Chân.

Từ cổng vào, bên phải có cổ thụ và tấm bia Cảnh Hưng thứ 20 được dựng trên lưng một con rùa mới làm, tất cả ở dưới mái che. Tiền đường rộng 5 gian, nhìn ra một ao vuông có tường đá vây quanh. Bên phải ao là một miếu nhỏ, bên trái là dãy nhà thấp, một phần được dùng làm Phòng Khám Đông Y.

Ao chùa Thanh Nhàn. Photo ©NCCong 2017

Tòa tiền đường xây kiểu tường hồi bít đốc, thềm cao, hàng hiên có dãy cột đá chạm hoa lá, bên trong bài trí đầy đủ các tượng Phật giáo. Bên trái cổng vào là dãy nhà Mẫu, thờ Bà chúa Liễu Hạnh. Sau lưng thượng điện là tòa hậu đường, bên phải là vườn tháp với 4 ngôi mộ Tổ. Toàn bộ chùa đã được trùng tu và tôn tạo với nhiều bức phù điêu đá mới tạo tác.

Di vật

Trên sân Linh Sơn Tự hiện nay có tấm bia Cảnh Hưng là cổ nhất. Bên trong chùa chính thì đặt một hệ thống tượng Phật giáo theo phái Bắc tông đã được tô lại.

Ngày 28-5-2003, chùa Thanh Nhàn đã được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật tại Quyết định số 2942/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội. Ngày 5-8-2005, chùa lại được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng.

Vườn tháp chùa Thanh Nhàn. Photo ©NCCong 2020

Di tích lân cận

CHÚ THÍCH

[1] Sa Môn Chính Minh từng trụ trì Linh Sơn Tự vào thời trước đã viết lại như sau: “Nay ở xứ Ông Mạc, làng Thanh Nhàn ở Kinh đô, có một khu đất với một ngọn núi đất sừng sững. Núi ấy có mạch dẫn từ hồ Tây, chảy thông ra sông Tô Lịch, bên phải có Bạch Hổ, bên trái là Thanh Long, phía trước là chim tước, sau là chim vũ, thu hết tầm mắt lại quả là khu tĩnh thổ bậc nhất vậy”.

©NCCông 2016-2017, Linh Son pagoda